(NTO) Chỉ tính trong năm 2011, ngoài các chính sách hỗ trợ sản xuất thông qua các nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng và các tổ chức Hội, đoàn thể… tỉnh còn hỗ trợ trên 2,56 tỷ đồng để thực hiện bù giá điện cho hơn 21.340 hộ nghèo; trợ cấp khó khăn cho gần 30.800 đối tượng thu nhập thấp và hộ nghèo với tổng kinh phí trên 13,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, để góp phần bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, từ năm 2007 đến nay tỉnh đã hỗ trợ xây dựng trên 4.040 căn nhà cho người nghèo… Với những nỗ lực đó, trong năm toàn tỉnh đã giảm 1,8% số hộ nghèo (theo chuẩn mới) góp phần kéo giảm hộ nghèo từ 15,48% xuống còn 13,68%.
Năm 2012 tỉnh ta tiếp tục xác định mục tiêu phấn đấu giảm 2% số hộ nghèo, “đẩy lùi” hộ nghèo trong tỉnh xuống còn 11,68%. Để thực hiện đạt và vượt mục tiêu nói trên rất cần sự “vào cuộc” của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị. Cùng với việc tạo điều kiện các mặt cho người nghèo, kể cả các hộ cận nghèo vươn lên làm ăn, cải thiện điều kiện sống thì điều cũng không kém phần quan trọng là các Hội, đoàn thể, đơn vị cần quan tâm đến việc hướng dẫn cách làm ăn, mô hình làm kinh tế, thậm chí là hướng dẫn cả trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp với từng mùa, vụ…
Thực tế cho thấy, phần lớn các hộ nghèo hạn chế lớn nhất là kiến thức sản xuất, vốn và kể cả công đầu tư cho cây trồng. Cho nên, nếu không hướng dẫn cụ thể hay nói khác hơn là nếu không giúp “cần câu” mà chỉ giúp “xâu cá” thì hộ nghèo sẽ khó vươn lên và kết cục là “nghèo vẫn hoàn nghèo”.
Kéo giảm hộ nghèo trong tỉnh xuống ở mức bình quân 2%/năm, nếu chỉ có quyết tâm thôi là chưa đủ mà rất cần đến những cách làm cụ thể, thiết thực của các cấp, ngành, đơn vị liên quan đối với người nghèo.
Tuấn Dũng