Thực trạng trên và cách tháo gỡ đã được các nhà khoa học, các chuyên gia phương pháp bàn thảo tại hội thảo khoa học “Đổi mới phương pháp giảng dạy ĐH, CĐ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội” được trường ĐH Sao Đỏ tổ chức tại Chí Linh, Hải Dương ngày 16/12.
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp vấn đề đổi mới PPGD bậc ĐH. Ảnh: gdtd.vn
Đổi mới phương pháp – còn rào cản
Vấn đề đổi mới phương pháp giảng dạy đã được đề cập, phát động dưới nhiều hình thức khác nhau trong các nhà trường từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước, đến nay, nó càng là vấn đề được quan tâm trong nhà trường các cấp học. Thế nhưng, băn khoăn chung của các đại biểu tham gia hội thảo đều là phương pháp dạy học tại các trường ĐH, CĐ hiện nay còn chưa thực sự hiệu quả.
Hiệu trưởng trường ĐH Sao Đỏ - TS.Vũ Thanh Chương nhận định, hiện đa số các giảng viên ĐH, CĐ lên lớp vẫn còn sử dụng các phương pháp giảng dạy đã lạc hậu, không tạo được hứng thú cho người học, thầy truyền thụ tri thức cho người học theo quan hệ một chiều, người học bị động trong tiếp thu, dẫn đến vô tính giết chết sự sáng tạo trong khoa học.
Còn theo nghiên cứu của TS.Lê Đông Phương – Giám đốc trung tâm nghiên cứu giáo dục ĐH và nghề nghiệp – Viện Khoa học GD Việt Nam tại 43 trường ĐH trên cả nước, đại bộ phận giảng viên không xa lạ với phương pháp thuộc nhóm phương pháp thuyết trình, trong khi đó, một bộ phận đáng kể giảng viên chưa biết hoặc biết (nghe nói đến) nhưng chưa bao giờ áp dụng những phương pháp như dạy học bằng grap, phương pháp dạy học theo tiếp cận mô đun, phương pháp dạy học theo dự án, phương pháp dạy học hợp tác…
Nhiều đại biểu cho rằng, việc yếu kém về phương pháp không phải do người giảng viên không nhận thức được mà còn vì có những rào cản.
Như PGS.TS.NGƯT Bùi Minh Trí (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho rằng, rào cản đó là sự thiếu hụt giảng viên và kiến thức giáo dục học hiện đại ở một bộ phận không nhỏ giảng viên. Bên cạnh đó, tỷ lệ giờ lên lớp của sinh viên ĐH hiện nay quá cao, thời gian dành cho tự học quá hạn chế. Số phòng học thiếu, hiếm có lớp học nào được thiết kế để có chức năng sử dụng đặc thù nên hạn chế lối tương tác đa chiều trong lớp. Điều kiện làm việc của giảng viên, trang thiết bị giảng dạy, thực tập, nghiên cứu khoa học ĐH chưa tốt cũng gây khó khăn cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy. Mục tiêu chương trình cụ thể của từng ngành học và từng học phần chưa được quan tâm đầy đủ dẫn đến giảng viên chủ chú trọng đến kiến thức mà không có sự quan tâm đầy đủ đến dạy kỹ năng và phẩm chất nghề nghiệp cho sinh viên…
Quan trọng nhất vẫn là người thầy
Hiệu trưởng trường ĐH Sao Đỏ - TS.Vũ Thanh Chương. Ảnh: gdtd.vn
Tại hội thảo, từ thực tiễn giảng dạy, các đại biểu đã chia sẻ nhiều phương pháp giảng dạy hiệu quả, trong đó nổi bật lên là phương pháp “lấy người học làm trung tâm”; đổi mới phương pháp thông qua việc đào tạo, hướng dẫn sinh viên cách đọc, cách tự học, tự nghiên cứu; nâng cao hiệu quả giảng dạy thông qua việc nâng cao năng lực khai thác và sử dụng các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại cho giảng viên; đổi mới phương pháp giảng dạy thông qua đào tạo kỹ năng nghề nghiệp với việc hình thành kỹ năng mềm, kỹ năng sống và năng lực sáng tạo cho sinh viên trong cơ chế thị trường; áp dụng giải pháp 3C “Cách – Chủ - Công” (trang bị cách học – phát huy tính chủ động của người học – khai thác triệt để công nghệ)…
GS.TSKH Nguyễn Quang Toản – Chủ tịch Hội chất lượng TPHCM – Viện trưởng Viên kiểm định và phát triển chất lượng đưa ra một sơ đồ với 4 phương pháp theo cấp độ tăng dần: Cung cấp con cá (hiểu nội dung để học nội dung); cung cấp chiếc cần câu (kỹ năng thực hành – dùng phương pháp để học nội dung); cung cấp kỹ thuật câu (kỹ năng lập nghiệp – hiểu nội dung để học phương pháp) và cung cấp nghệ thuật sống (tư duy sáng tạo vì xã hội – học nội dung phương pháp hay thao tác tư duy một cách có phương pháp để làm việc một cách sáng tạo và tạo thói quen học tập suốt đời). GS.TSKH Nguyễn Quang Toản cho rằng, có lẽ, với giáo dục ĐH, muốn lấy người học làm trung tâm thì phải chọn 2 phương pháp sau cùng.
Tuy nhiên, PGS.TS.Đặng Quốc Bảo – nguyên hiệu trưởng Học viện Quản lý GD lại cho rằng, không có phương pháp dạy học nào tồi cả, đổi mới phương pháp dạy học cần được hiểu là “đổi mới cách thực hiện phương pháp dạy học”. Phương pháp dạy học thực chất là một công cụ, nó chỉ trở thành “tồi” khi người thầy sử dụng nó không hiệu quả.
Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại