Hiệu quả từ việc đưa văn hóa dân gian vào trường học

Ngày 28-11, buổi nhạc lễ và nhạc hội mã la gắn liền với Lễ hội Bỏ Mả của đồng bào dân tộc Raglai đã được tái hiện hết sức sinh động tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (DTNT) Pi Năng Tắc, huyện Bác Ái.

(NTO) Buổi nhạc lễ và nhạc hội này chính là một “Bản báo cáo tổng kết đặc biệt” về lớp học đào tạo lực lượng nòng cốt diễn tấu nhạc cụ mã la truyền thống cho học sinh Trường Phổ thông DTNT Pi Năng Tắc. Lớp học do Sở Giáo dục- Đào tạo phối hợp với Hội Văn hóa Dân gian tỉnh tổ chức và nhận được sự hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ Bảo tồn Nghệ thuật – Văn hóa Dân gian Hà Nội, Hội Văn hóa dân gian Việt Nam và đặc biệt là sự giúp đỡ nhiệt tình và trực tiếp tham gia giảng dạy của các nghệ nhân, nghệ sỹ trong tỉnh.

Các học sinh biểu diễn mã la trong lễ tổng kết. Ảnh: Sơn Ngọc

Lớp học bắt đầu từ tháng 8- 2011, với sự tham gia của 14 học sinh là con em đồng bào Raglai trên địa bàn huyện Bác Ái. Tại buổi lễ tổng kết, các vị đại biểu đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, các sở, ban, ngành trong tỉnh cùng hàng trăm học sinh và các thầy, cô giáo được trực tiếp thưởng thức những bản tấu mã la gắn với Lễ hội Bỏ Mả do chính các em học sinh là học viên của lớp học thể hiện. Và để tiếng nhạc mã la của các em có vía, có hồn và gắn liền với tiền cảnh âm nhạc, ban tổ chức lớp học đã mời ông, bà, cha mẹ các em đến làm thầy cúng… tái hiện một lễ hội truyền thống của người Raglai qua trích đoạn lễ hội Bỏ Mả được bắt đầu từ rạp mả cho đến khu vực nhà mồ. Tiếng mã la vang lên, những ai có mặt đều như hòa mình sống trong không khí của lễ hội. Tất cả những học sinh tham gia lễ hội đều mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình làm cho buổi lễ càng thêm phần sinh động và cũng là để giúp các em thêm quý trọng truyền thống văn hóa dân tộc.

Thành công bước đầu của lớp học đã được thể hiện rõ bằng việc tái hiện lễ hội trên sân khấu với những hình ảnh, âm thanh sống động. Qua hơn 3 tháng tham gia lớp học, 14 học sinh không chỉ được đào tạo sử dụng thành thạo nhạc cụ truyền thống mã la, mà từ đây chính các em cũng có thể dạy lại cho những người khác, để tiếng nhạc tấu mã la của người Raglai còn bay cao, vang xa và không bao giờ tắt. Việc đưa văn hóa dân gian vào trường học cũng là một trong những nội dung của phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Đồng chí Nguyễn Hồng Liêu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định: “Từ những lớp học như thế này sẽ giúp các em thêm yêu quý, tự hào về văn hóa dân tộc và cũng là một cách tạo không khí cho các em học tập tốt hơn. Đây cũng là một trong những mục tiêu của ngành, đó là: Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Được lựa chọn tham gia lớp học và trở thành những hạt nhân có vai trò gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc cũng là niềm tự hào, niềm vui lớn của các em học sinh. Em Pi Năng Thị Hằng, học sinh lớp 9, Trường Phổ thông DTNT Pi Năng Tắc bày tỏ: “Em và các bạn trong lớp đã được các nghệ nhân ân cần chỉ dạy, động viên… và thực sự vui sướng vì bây giờ đã có thể đứng trong đội mã la thực hiện lễ Bỏ Mả của dân tộc mình”.

Hy vọng rằng, sẽ còn nhiều những lớp học ý nghĩa như thế này được tiếp tục tổ chức, để mỗi học sinh thêm tự hào về truyền thống văn hóa cha ông, từ đó có ý thức giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.