Theo đó, trong năm học 2011-2012, cả nước có 12.976 trường mầm non, tăng 265 trường so với năm học trước. Trong đó, trường công lập: 9.742 trường, chiếm tỷ lệ 75,1%; trường ngoài công lập: 3.234 trường, chiếm tỷ lệ 24,9%.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Tổng số phòng học cho Giáo dục Mầm non là 138.843, trong đó có 65.629 phòng học kiên cố (chiếm tỷ lệ 48%). Trong năm học 2010 -2011, cả nước đã xây dựng mới 10.746 phòng học, 3.684 công trình nước sạch và 10.202 bệ, hố vệ sinh.
Mặc dù số lượng phòng học cho Giáo dục Mầm non đã tăng lên đáng kể, nhưng vẫn thiếu trầm trọng. Cả nước hiện vẫn thiếu 26.886 phòng học (tính theo quy định số lượng trẻ em/lớp của Điều lệ trường mầm non) so với nhu cầu.
Mặt khác, sự chênh lệch quá lớn về học phí, chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất giữa các trường mầm non công lập và trường mầm non tư thục là nguyên nhân dẫn đến chạy trường, chạy lớp để trẻ được vào trường mầm non công lập, xảy ra tình trạng quá tải cho các trường mầm non này.
Về giáo viên mầm non, chủ yếu là giáo viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động (ngoài biên chế) trong các trường mầm non công lập, bán công và tư thục. Theo báo cáo của các tỉnh/thành phố, cả nước hiện có 196.639 giáo viên mầm non, trong đó trong biên chế 84.606 giáo viên, ngoài biên chế 112.033 giáo viên. Trên cả nước còn thiếu 22.811 giáo viên.
Số giáo viên ngoài biên chế hiện nay đã được các địa phương hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để có mức thu nhập bằng mức lương tối thiểu, được tham gia đóng Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Thực tế mức thu nhập của giáo viên ngoài biên chế hiện nay rất khác nhau đối với từng tỉnh. Trong năm 2010, bình quân thu nhập của giáo viên ngoài biên chế thấp nhất là 1.192.000đ/ tháng, cao nhất là 2.566.000đ/tháng. Tuy nhiên, có một số huyện thuộc một số tỉnh có mức thu nhập của giáo viên mầm non rất thấp như Bình Định, Phú Yên: 540.000đ, Hà Nam 800.000đ, Thanh Hóa từ 500.000đ - 800.000đ/tháng.
Nguồn VTV.VN