Chương trình viễn thông công ích, kết nối thông tin đến với vùng xa

(NTO) Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích (VTCI) đến năm 2010 và Quyết định của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành Quyết định Mức hỗ trợ duy trì và phát triển cung ứng dịch vụ VTCI giai đoạn 2008-2010, tỉnh ta có ba doanh nghiệp là Viễn thông Ninh Thuận, Viettel và EVN-Telecom được Sở Thông tin và Truyền thông giao trách nhiệm thực hiện việc cung cấp các dịch vụ VTCI đến đối tượng người nghèo ở các xã vùng sâu, vùng xa trong toàn tỉnh. Qua hơn 5 năm triển khai, toàn tỉnh có 20 xã tại các huyện: Ninh Sơn, Bác Ái, Ninh Hải, Thuận Bắc, Ninh Phước và Thuận Nam được thụ hưởng các chương trình VTCI.

Đồng chí Dương Ngọc Hưng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: “Tham gia chương trình này, các hộ dân được hỗ trợ thiết bị lắp đặt mới như điện thoại cố định (trị giá mỗi máy 450.000 đồng), modem Intenrnet, điểm truy nhập điện thoại công cộng và cước thuê bao hàng tháng.”. Với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, đến cuối năm 2010 tổng số điện thoại cố định duy trì của 3 doanh nghiệp được Sở Thông tin và Truyền thông xác nhận là 13.314 thuê bao, Internet băng rộng ADSL là 413 thuê bao và 25 điểm truy nhập điện thoại công cộng (trong đó, điểm truy nhập điện thoại công cộng có người phục vụ là 21 và không người phục vụ là 4). Thông qua chương trình, hàng ngàn hộ dân ở các xã vùng sâu, vùng xa trong tỉnh có điều kiện sử dụng các dịch vụ viễn thông với giá cước ưu đãi để đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ cuộc sống.

Trong số ba doanh nghiệp viễn thông triển khai chương trình thì Chi nhánh Viettel Ninh Thuận là đơn vị có tổng số điện thoại cố định duy trì nhiều nhất, với 6.224 thuê bao, tiếp đó là Viễn thông Ninh Thuận với 6.081 thuê bao và EVN Ninh Thuận là 1.009 thuê bao. Ưu điểm lớn của các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh ta hiện nay đó là có cơ sở hạ tầng và trạm BTS phủ sóng rộng khắp đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển nên việc đưa dịch vụ viễn thông về với người dân nơi đây khá thuận lợi, người dân yên tâm sử dụng dịch vụ.

Chương trình VTCI thực sự đã mang lại lợi ích cho người dân các xã vùng sâu, vùng xa là rất lớn. Tuy nhiên, một thực tế đáng quan tâm đó là nhiều người dân khi được hỏi đều không biết số máy mà họ được cấp là của chương trình VTCI mà nghĩ rằng đây là của các doanh nghiệp viễn thông tặng, gọi không cần trả tiền nên bà con gọi không có giới hạn. Vì thế, sau một thời gian sử dụng, nhiều hộ gia đình không có khả năng thanh toán tiền cước phí cho nhà cung cấp dịch vụ nên đã bị cắt. Một vấn đề đáng quan tâm nữa đó là trong quá trình triển khai, các doanh nghiệp viễn thông thực hiện còn thiếu đồng bộ và sự phối hợp với nhau, nên địa bàn và số hộ gia đình được cấp máy còn chồng chéo nhau, dẫn đến tình trạng có nhiều gia đình được cấp hai đến ba máy điện thoại, gây nên sự lãng phí.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Dương Ngọc Hưng cho biết: “Việc các doanh nghiệp viễn thông phát triển thuê bao điện thoại cố định đến các xã vùng sâu, vùng xa theo chương trình VTCI chồng chéo nhau là có thật. Để khắc phục tình trạng trên, năm 2008, khi chương trình được giao cho Sở Thông tin và Truyền thông quản lý, chúng tôi chỉ đạo cho các bộ phận chuyên môn thực hiện việc phân xã, phân luồng cho các doanh nghiệp để triển khai. Một số đơn vị, sau khi có sự chỉ đạo trên đã linh động bằng việc khi phát triển thuê bao, nếu hộ gia đình nào đã có máy điện thoại cố định thì không cấp thêm máy mà trừ dần vào cước gọi cho đến khi hết tổng giá trị máy được cấp là 450 ngàn đồng thì thôi.” Được biết ngoài chương trình viễn thông công ích trên đất liền, Chính phủ còn triển khai chương trình VTCI vùng biển nhằm giúp cho ngư dân trong quá trình đánh bắt hải sản trên biển, đảm bảo được thông tin hai chiều giữa tàu cá với đất liền. Theo quy định, tàu cá của ngư dân có công suất từ 90 CV trở lên khi đăng ký tham gia chương trình sẽ được hỗ trợ 1 máy bộ đàm có trị giá 4,5 triệu đồng và tỉnh ta đang có 158 tàu đã được hỗ trợ theo chương trình này hiện phát huy hiệu quả rất tốt.

Để tiếp tục mở rộng, phổ cập các dịch vụ viễn thông và Internet đến mọi người dân, hộ gia đình trên cả nước; phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông băng rộng để đáp ứng phổ cập dịch vụ tại vùng VTCI, nhằm rút ngắn khoảng cách về sử dụng dịch vụ viễn thông và Internet giữa các vùng miền trên cả nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, tháng 9-2011, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ký Quyết định số 1643/QĐ-TTg, phê duyệt chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn 2011-2015. Hy vọng rằng, với sự chỉ đạo sát sao của Sở Thông tin và Truyền thông như hiện nay, thời gian tới các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh sẽ khắc phục những hạn chế tồn tại để triển khai đồng bộ và có hiệu quả chương trình, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.