Ngày 20-11, phát biểu tại hội nghị “Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tay chân miệng” do Bộ Y tế tổ chức, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền toàn xã hội về cách phòng ngừa bệnh tay chân miệng (TCM), trong đó làm rõ 4 nội dung chính: trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ mắc bệnh TCM cao nhất; bệnh TCM lây trực tiếp qua đường tiêu hóa cần phải ăn sạch, ở sạch, vệ sinh đồ dùng sạch sẽ; bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy biện pháp duy nhất là phòng ngừa; khí hậu thay đổi nóng ẩm nhiều tăng nguy cơ mắc bệnh.
Từ nay đến hết tháng 12, từng hộ gia đình có trẻ dưới 5 tuổi cần được phát xà phòng diệt khuẩn và thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền các bậc phụ huynh rửa tay bằng xà phòng sạch sẽ, đặc biệt chú ý đến vệ sinh tại nơi sinh hoạt của trẻ để phòng chống bệnh TCM.
Cùng ngày, tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết, sau khi GS-TS Nguyễn Văn Khải, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn và tiết kiệm năng lượng dung dịch hoạt hóa, điện hóa Hà Nội (Viện Khoa học Việt Nam) thử nghiệm chữa bệnh TCM bằng nước ozone tại Ninh Thuận, Hội đồng Khoa học Bộ Y tế đã có cuộc họp xem xét và nhận định:
Việc chữa bệnh bằng nước ozone cùng với chanh, muối… chỉ có tác dụng hỗ trợ chữa bệnh TCM trong giai đoạn 1 và 2 về ngoài da, làm se mặt ngoài da bị lở loét, chứ không có tác dụng chữa bệnh, không có tác dụng kháng bất cứ virus nào nên không được sử dụng cho bệnh nhân uống. Bởi lẽ, căn nguyên của bệnh TCM là do virus xâm nhập vào cơ thể người thông qua đường ruột, tiêu hóa, tiếp xúc trực tiếp sau đó phá hủy sức đề kháng của cơ thể.
Nguồn Báo SGGP Online