Tình thầy trò vùng cao

Lên vùng cao dạy học có hai cái khó: Thứ nhất là thầy không biết tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số, trong khi học sinh (HS) chưa sành tiếng Việt; thứ hai là HS bỏ học nhiều. Vì vậy không ít giáo viên quá “nản”, chỉ mong mau hoàn thành nhiệm vụ để xin chuyển về xuôi. Thế mà vẫn có những giáo viên tự nguyện gắn bó cuộc đời mình với “con chữ” vùng cao. Và cùng với thời gian, giữa thầy - trò nảy nở tình cảm đẹp.

Thầy trò cùng học…

Thầy Trần Văn Huệ, giáo viên Trường Tiểu học Phước Tiến A, lên Bác Ái vào năm 1996, kể: “Tâm niệm của tôi trước khi lên vùng cao công tác là dồn hết khả năng của mình để vực dậy phong trào Đội ở các trường học. Có lần tập văn nghệ chuẩn bị biểu diễn chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam, cả tuần mà HS không thuộc được một bài hát. Về sau tìm hiểu mới biết các em tiếp thu chậm do chưa thông thạo tiếng Việt. Bảo HS cố gắng, chúng bập bẹ: “Thầy không biết tiếng em, sao em biết tiếng thầy!”. Câu trả lời chân thật, ngây thơ của HS đã thôi thúc thầy Huệ quyết tâm học tiếng Raglai. Người dạy thầy đầu tiên chính là học trò của mình. Sau một thời gian “chỉ qua chỉ lại” cho nhau, cuối cùng thầy hiểu được trò nói, còn trò thì có thêm vốn tiếng Việt. Khi học được những câu xã giao bình thường, thầy Huệ bắt đầu mở rộng giao tiếp. Tối nào thầy cũng lân la đến các thôn chơi, hàn huyên với già làng. Với cách học “truyền miệng” như vậy, vài năm sau thầy nói “rành” tiếng địa phương. Bà con thấy thầy giáo dưới xuôi lên biết nói tiếng của người vùng cao nên rất tôn trọng, quý mến. Trong vùng, nhà nào có công chuyện như “bắt vợ”, “bắt chồng” cho con, làm đám bỏ mả, đều mời thầy đến dự. Sống hòa đồng với mọi người, nên ai cũng xem thầy như người con của làng. Mỗi lần về dưới xuôi, thầy không quên mua ít quà như cá khô, bánh kẹo… lên tặng người thân. Đến Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), quà thầy nhận nhiều nhất từ phụ huynh là bắp, chuối, đu đủ… “Những tình cảm mộc mạc ấy, thấm dần vào tâm can tôi. Đó là lý do để tôi quyết định công tác lâu dài trên này” – Thầy Huệ chia sẻ.

Nhờ sự giúp đỡ của giáo viên, nhiều học sinh có xe đạp đến trường.

Góp tiền sửa xe đạp cho trò

Không biết nói tiếng của người dân địa phương là cản trở lớn của giáo viên lên vùng cao dạy học. Nhưng đó là khó khăn ban đầu, vì sau một vài năm công tác hầu hết giáo viên điều hiểu được tiếng nói, phong tục tập quán của bà con vùng cao. Tuy nhiên, để duy trì sĩ số lớp học mới nan giải hơn nhiều. Thầy Dương Đăng Thục, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phước Bình A (Bác Ái), tâm sự: “HS ở đây vào mùa làm rẫy là nghỉ học theo mẹ đi trỉa bắp. Trong thôn có lễ hội các em lại rủ nhau ở nhà đi chơi. Những lúc như vậy giáo viên đành phải tìm đến tận nhà chở HS tới trường. Cô Ngô Thị Hiền, giáo viên lớp 4A của trường, nhiều khi giờ tan trường gặp mưa rừng, một mình cô lặn lội dẫn từng em HS về nhà. Mỗi khi đứng trên bục giảng, nhìn xuống lớp thấy vắng một vài em là lòng cô trăn trở không yên. Sau buổi học, cô lại băng suối về các thôn chở HS đến trường dạy phụ đạo cho các em.

Ở Trường THCS Phước Chiến (Thuận Bắc) có việc làm rất cảm động, đó là giáo viên góp tiền sửa xe đạp cho HS. Chuyện rất tình cờ: Trong giờ dạy môn Sinh vật, một HS thật thà xin phép thầy Lâm Quang Vinh buổi học sau cho em nghỉ vì xe đạp bị hư. Nghe HS nói, thầy giật mình, móc túi lấy tiền đưa ngay cho HS đi sửa xe. Việc làm ân tình của thầy lan tỏa khắp trường, những HS khác mỗi khi xe hư lại đến nhờ thầy giúp đỡ. Nhận thấy đây là việc làm có ý nghĩa, nhằm giúp các em HS có hoàn cảnh khó khăn đến trường, nên nhà trường phát động phong trào “10 bàn tay góp sức sửa xe cho HS”. Chỉ sau một thời gian ngắn, tất cả xe đạp của 82 HS ở trường đều được sửa chữa, sơn mới. Không những thế, thương HS đi học bằng chân đất, mặc đồ cũ, thầy cô còn mua dép, quần áo mới cho các em…

Tình thầy trò vùng cao gắn bó, chân thành như “cây và đất”.