CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM (20-11)

Để sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà ngày càng phát triển

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, phóng viên Báo Ninh Thuận đã có cuộc trao đổi với đồng chí Võ Đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh xung quanh mục tiêu phát triển của ngành Giáo dục- Đào tạo tỉnh nhà.

(NTO) Phóng viên: Xin đồng chí cho biết một số ý kiến về sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà ?

- Đồng chí Võ Đại: Trong những năm qua, công tác giáo dục và đạo tạo (GD&ĐT tỉnh nhà đã thu được một số kết quả tốt đẹp như: chất lượng GD&ĐT ngày càng được nâng cao thể hiện ở tỉ lệ học sinh tốt nghiệp; học sinh đậu vào các trường cao đẳng, đại học tăng; học sinh bỏ học giảm dần; các đơn vị trường học thực sự là nơi thu hút học sinh đến trường; công tác tuyên truyền giáo dục đã góp phần dựng xây nên một xã hội học tập, nhận thức xã hội hóa về giáo dục và đào tạo đã có chuyển biến rõ nét, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã và đang quan tâm rất lớn, đã đầu tư ở một số cấp học và thu hút một bộ phận lớn học sinh vào học ở các trường ngoài công lập, góp phần quan trọng vào phát triển mạng lưới trường, lớp và tăng quy mô đào tạo trên địa bàn tỉnh. Thể hiện rõ nhất là trong năm 2010-2011. Chất lượng GD&ĐT của tỉnh nhà đã có những đột phá về tỷ lệ tốt nghiệp. Cùng với những thành tích trên là tỷ lệ về học sinh bỏ học chỉ còn 1,14%. Học sinh có học lực từ trung bình trở lên tăng 3,5% so năm học trước. Tỷ lệ huy động ra lớp có nhiều chuyển biến tích cực. Học sinh dân tộc thiểu số đã thích đến trường và tỷ lệ duy trì sĩ số đối với vùng này đã đạt thành tích đáng khích lệ. Chúng ta có học sinh vào chung kết “Đường lên đỉnh Olympia”, có học sinh đạt thủ khoa Đại học Sài Gòn, á Khoa Đại học Khoa học tự nhiên. Đã xuất hiện nhiều tấm gương yêu thương, tận tụy vì học sinh. Nhiều thầy cô giáo, và cán bộ quản lý tổ chức dạy thêm, phụ đạo học sinh yếu kém mà không tính tiền thù lao. Có nhiều trường chủ động trích một phần lương của giáo viên và CBQL để lo bữa ăn trưa cho trẻ vùng sâu vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất trường học được quan tâm đầu tư theo hướng kiên cố và đạt chuẩn quốc gia... từng bước đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi tặng hoa chúc mừng thầy, cô giáo. Ảnh: Văn Miên

Đạt được kết quả nêu trên, trước hết đó là sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, liên tục của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Giáo dục và Đào tạo với các sở, ngành, các địa phương, sự tham gia nhiệt tình đầy trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, của cộng đồng đối với sự phát triển giáo dục và đào tạo, sự nỗ lực trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo trong công tác tham mưu và tổ chức thực hiện ở cơ sở.

Tuy nhiên cũng bên cạnh những thành tích đạt được tôi đề nghị ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà cần cố gắng nhiều hơn nữa, sáng tạo, năng động hơn nữa để khắc phục một số tồn tại như nhanh chóng khắc phục sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các vùng miền, nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số bằng nhiều giải pháp phù hợp. Ổn định đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên giúp họ yên tâm công tác, gắn bó với nghề. Tăng cường ý thức trách nhiệm, đạo đức và lương tâm nhà giáo, để “Mỗi thầy cô giáo phải là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” cho học sinh noi theo.

- Phóng viên: Theo đồng chí cần có giải pháp gì để đưa sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà phát triển trong thời gian tới?

- Đồng chí Võ Đại: Đầu tiên là ngành GD -ĐT cần tích cực tham mưu với cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo mọi hoạt động giáo dục - đào tạo; Phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành và các đơn vị hữu quan trong việc tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục.

Từng cấp học phải cụ thể hóa nhiệm vụ cấp mình, bám sát việc triển khai thực hiện các đề án của từng cấp học. Thực hiện tốt việc đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục ở tất cả các cấp học, bậc học; tăng cường thanh tra, kiểm tra, đưa công tác thanh tra, kiểm tra đi vào thực chất, hiệu quả, chống hình thức. Quan tâm chăm lo, đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo thông qua các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; triển khai tốt chuẩn nghề nghiệp giáo viên và hiệu trưởng, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tiếp tục thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012. Tăng cường thu hút các nguồn tài trợ để phát triển cơ sở vật chất, thiết bị dạy học…

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, tôi nhiệt liệt biểu dương những đóng góp quý báu công sức, trí tuệ của các tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh đối với sự phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh Ninh Thuận trong thời gian qua; đặc biệt đánh giá cao đội ngũ cán bộ, giáo viên của tỉnh nhà đã không quản ngại khó khăn vất vả nhất là các thầy, cô giáo ở vùng sâu, vùng xa đã mang ánh sáng văn hóa của Đảng đến mọi bản làng, góp công to lớn vào việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tỉnh trong việc xây dựng quê hương Ninh Thuận đẹp giàu. Sứ mệnh của mỗi cán bộ quản lý giáo dục và thầy, cô giáo với đất nước nói chung, với quê hương Ninh Thuận nói riêng là rất lớn lao. Tôi mong muốn và kỳ vọng cán bộ công chức, giáo viên, nhân viên của ngành luôn luôn đoàn kết, thống nhất, đồng tâm, hiệp lực, chung sức chung lòng, linh hoạt, sáng tạo để đưa sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà phát triển bền vững. Xin gửi đến toàn thể cán bộ công chức, giáo viên, nhân viên, ngành Giáo dục lời chúc sức khỏe, thành đạt, chúc sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh nhà liên tục phát triển.

- Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí !

Thầy giáo Trần Đức Lực, giáo viên về hưu, phường Bảo An (Phan Rang-Tháp Chàm):

Điều làm tôi cảm thấy vui là thời gian qua chất lượng giáo dục tỉnh nhà không ngừng phát triển: Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giáo viên luôn giữ được truyền thống, nền nếp của người làm công tác sư phạm; chất lượng học tập của học sinh ngày càng được nâng cao, cơ sở vật chất trường lớp được quan tâm đầu tư đúng mức. Tuy nhiên, trong thời kỳ hội nhập quốc tế như hiện nay, để ngành Giáo dục đào tạo ra những lớp người vừa có tri thức, vừa giữ được nét văn hóa truyền thống, trước tiên mỗi thầy, cô giáo phải không ngừng trau dồi, làm giàu vốn kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và rèn luyện phẩm chất đạo đức. “Giáo dục là tâm truyền” những người làm công tác sư phạm không chỉ truyền thụ cho học sinh kiến thức khoa học mà còn phải dạy các em về cách làm người, dạy các em hiểu được rằng mục đích của việc học tập là để có được tri thức làm hành trang vào đời, biết yêu lao động, yêu con người, quê hương đất nước, phục vụ cho tổ quốc. Phương pháp dạy học cũng cần khoa học, học phải đi đôi với hành, giúp các em biết liên hệ thực tiễn để hiểu đúng, hiểu sâu và phát huy tư duy sáng tạo của tuổi trẻ. Thầy, cô giáo nên khuyến khích học sinh phát huy các hình thức học nhóm, học tổ, tham gia các hoạt động ngoại khóa để các em làm quen với phương pháp làm việc tập thể, tạo môi trường giao tiếp phong phú để sau này dễ dàng hòa nhập với xã hội.
Cô giáo Thành Thị Kim Kiều, Trường THPT An Phước (Ninh Phước):

Ngay từ nhỏ, tôi đã yêu thích và mơ ước theo nghề dạy học. Bản thân tôi luôn tâm niệm một điều đã theo nghề giáo là phải có tâm huyết và hết lòng yêu thương học sinh. Qua thực tế giảng dạy, theo tôi để tạo hứng thú trong học tập cho học sinh thì ngoài khả năng sư phạm truyền đạt kiến thức, mỗi thầy cô còn cần phải có sự sáng tạo trong từng bài giảng. Thường xuyên gần gũi với các em học sinh để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình và khả năng tiếp thu kiến thức từ đó áp dụng phương pháp dạy học phù hợp để giúp các em dễ hiểu bài và thực sự thấy vui, thấy yêu thích khi đến trường.




Anh Bùi Văn Duy, sinh viên năm cuối lớp Cao đẳng Tiểu học 33, Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận:

Trong những lần đi thực tập, được tiếp xúc với các em học sinh, tôi cảm thấy càng yêu nghề hơn. Theo tôi nghĩ, đã là giáo viên thì điều quan trọng nhất là phải yêu nghề và tâm huyết với nghề, hết lòng vì đàn em thân yêu. Nghề giáo là một nghề cao quý và được xã hội tôn vinh, vì vậy đòi hỏi ở người giáo viên phải luôn rèn luyện, có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu, hết lòng với công việc.






Quảng Minh Hồng Khanh, sinh viên năm cuối lớp Cao đẳng Mỹ thuật 33, Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận:

Với tôi, thầy, cô giáo có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự trưởng thành của học sinh. Thầy cô luôn nêu gương cho học sinh về phẩm chất đạo đức, về lối ứng xử hằng ngày; dẫn dắt, gợi mở cho học sinh có những sáng tạo trong học tập; đào tạo nhân cách cho thế hệ mai sau. Để có thể làm tốt vai trò của một nhà giáo, tôi nhận thấy những giáo viên trẻ và những sinh viên sư phạm năm cuối như tôi cần phải tích cực học tập để nâng cao trình độ, bồi dưỡng kiến thức để có thể truyền đạt một cách tốt nhất những kiến thức cho thế hệ mai sau, những chủ nhân tương lai của đất nước.




Ông Nguyễn Văn Lộc, Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh, Trường THCS Phước Vinh (Ninh Phước):

Ngày 20-11 hàng năm là dịp để toàn xã hội tri ân các thầy, cô giáo. Nhà giáo là những người trồng người, ở đâu, trong hoàn cảnh nào cũng có những thầy cô tận tụy, đầy trách nhiệm, hết lòng yêu thương học sinh. Đặc biệt, với những ngôi trường vùng nông thôn còn khó khăn như THCS Phước Vinh, các thầy cô không chỉ đứng trên bục giảng mà còn tận tụy đến tận nhà vận động học sinh đi học, tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của cả phụ huynh trong việc học của con em mình… Những hoạt động được tổ chức trong nhà trường hướng đến Ngày Nhà giáo Việt Nam không chỉ là để dành tặng riêng cho các thầy, cô giáo mà cũng là dịp để giáo dục cho học sinh những bài học về “Tôn sư trọng đạo”.



Thầy giáo Dương Thành Công, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn:

Nghề giáo là ước mơ của tôi từ khi còn là cậu học trò cấp 2. Tôi yêu nghề giáo, điều đó thể hiện ở những việc làm của tôi. Theo tôi, cùng với việc nỗ lực học tập để nâng cao trình độ chuyên môn thì những phẩm chất cần thiết của người giáo viên đó là khả năng diễn đạt tốt, tình yêu thương học trò. Là một giáo viên trẻ về tuổi nghề, tôi nghĩ không trường học nào hiệu quả bằng chính môi trường mình đang làm việc. Tôi học được nhiều điều hay, kinh nghiệm bổ ích từ những thầy, cô đi trước và cả các đồng nghiệp trẻ. Từ đó có những thay đổi phù hợp để việc dạy và học không những là nhiệm vụ chuyên môn mà là niềm vui, niềm hạnh phúc cho cả thầy và trò. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi xin gửi lời tri ân đến các thầy, cô giáo của tôi. Với các em học sinh, tôi mong các em luôn học tốt, xứng đáng là thế hệ tương lai của đất nước.