(NTO) Bản thân là nữ, lại làm quản lý ngành Giáo dục của cả tỉnh, khó khăn với chị đương nhiên sẽ là rất nhiều. Tuy nhiên, với chị khó khăn lớn nhất mà người nữ quản lý phải đối mặt, nằm ngay trong chính họ. Đó là sự tự khẳng định!
Năm học mới 2011-2012 bên cạnh những định hướng mục tiêu phát triển chung của giáo dục cả nước, ngành GD&ĐT tỉnh đề ra khẩu hiệu “Tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm”. Tâm huyết để yêu thương hơn, tận tụy hơn thậm chí cả hy sinh vì học sinh thân yêu. Trí tuệ để mỗi thầy cô thực sự là tấm gương tự học, sáng tạo. Trách nhiệm để sống có giá trị với chính mình và chất lượng với cuộc đời. Nhiều năm làm quản lý, chị luôn mong muốn và quan niệm việc phát triển giáo dục của tỉnh nhà đi theo hướng bền vững và nhân văn như vậy. Theo chị, một người quản lý giỏi cần phải hội đủ 3 nguyên tố T “Tâm-Trí-Tầm”. Bên cạnh đó, nhà quản lý là nữ còn cần tạo sự khác biệt: Khác biệt để là chính mình.
Với chị, niềm hạnh phúc lớn nhất của người quản lý chính là thấy được sự phát triển bền vững của giáo dục địa phương. Thấy được một kết quả tốt nghiệp cuối cấp tăng thực chất sau mỗi năm. Là nhìn thấy những sản phẩm giáo dục của mình – những học sinh có thể tự tin, vững bước vào đời. Nó còn là niềm ước ao thấy được nhiều ngôi trường mới mọc lên đẹp hơn. Ở đó có nhiều thầy cô giáo tâm huyết, trí tuệ, yêu thương học trò và ngày càng nhiều hơn học sinh được đến trường mà tiếng hát, nụ cười luôn rạng rỡ.
Chị chia sẻ: “Ước mơ thì có nhiều lắm, nhưng với tôi, điều quan trọng nhất có lẽ không gì khác là sự chuyển mình của giáo dục địa phương”. Chị sống đơn giản, với quan niệm và triết lý sống khá giản dị: Cháy hết mình cho những yêu thương. Chị là thế, luôn quay vòng với guồng quay của công việc, cả vị trí cũ lẫn vị trí mới. Tuy nhiên, sau nhiều năm làm việc, cống hiến, điều chị trăn trở nhất không gì khác chính là phát triển giáo dục vùng dân tộc. Nhiều năm qua, chị luôn đau đáu một nỗi lòng bởi dù giáo dục đã phát triển, nhưng khu vực miền núi vẫn còn nhiều học sinh khó khăn. Chị thấy bản thân vẫn còn nợ các em thật nhiều. Chính vì thế, chị luôn nhắc nhở mọi người dù làm gì cũng phải dành thật nhiều ưu ái cho giáo dục miền núi, giáo dục con em đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi hơn ai hết, chị hiểu, chỉ có giáo dục mới giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững. Chỉ có giáo dục mới mang đến cho trẻ em dân tộc thiểu số một môi trường thuận lợi để phát triển về mọi mặt. Giúp xóa bỏ sự tự ti, mặc cảm, thay đổi tác phong sinh hoạt tự do, phóng túng để có ý thức tổ chức, kỷ luật hơn. Điều quan trọng là đem đến ánh sáng văn hóa soi rọi vào tâm hồn và trí tuệ để các em sẵn sàng trở thành những công dân xây dựng chính quê hương của mình.
Anh Tú