(NTO) Nhiều năm qua tỉnh ta luôn chú trọng triển khai mối liên kết “Bốn nhà” trong sản xuất nông nghiệp và ở một số cây trồng từ mối liên kết này đã mang lại hiệu quả cao. Đơn cử như đối với cây mía đường, hàng năm ngay từ đầu vụ doanh nghiệp đã “bắt tay” ngay với nông dân để ký hợp đồng đầu tư, bao tiêu sản phẩm với giá thỏa thuận.
Như vậy, về phía nông dân trồng mía vừa chủ động được vốn, không phải lo chi phí đầu tư từ khâu làm đất đến khâu giống, phân bón… mà điều quan trọng là vừa không phải lo lắng về đầu ra, vừa tính toán được lợi nhuận có thể đạt được. Về phía doanh nghiệp được lợi là nắm chắc được nguồn nguyên liệu để vừa chủ động tập trung xây dựng kế hoạch sản xuất đồng thời vừa chủ động tìm “đối tác” tiêu thụ sản phẩm… Mối liên kết “Bốn nhà”: Nhà nước – nhà doanh nghiệp – nhà khoa học – nhà nông còn được thực hiện khá thành công trong lĩnh vực sản xuất giống lúa, bắp lai, thuốc lá nguyên liệu… Đến nay toàn tỉnh đã có trên 1.700 ha sản xuất theo mô hình này. Hầu hết nông hộ tham gia liên kết “bốn nhà” đều yên tâm và đạt lợi nhuận cao hơn so với các nông hộ khác tự sản xuất. Tuy nhiên, so với quy mô sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh thì số hộ và diện tích tham gia “bốn nhà” còn thấp. Vì sao ?. Thực tế tìm hiểu của chúng tôi, một trong những nguyên nhân chủ yếu là tại nhiều địa phương, đa số nông dân vẫn chưa hiểu đầy đủ tầm quan trọng của thị trường đó là điểm xuất phát để lên kế hoạch sản xuất, mà vẫn xem thị trường chỉ là nơi tiêu thụ sản phẩm dư thừa làm ra. Chính “kiểu” sản xuất: đưa ra thị trường những sản phẩm mình có mà chưa chú ý đến những sản phẩm thị trường cần đã dẫn đến hệ lụy là được mùa thì rớt giá… Mặt khác, một số địa phương tuy đã hình thành được vùng sản xuất hàng hóa nhưng lại gặp khó khăn về chế biến, tiêu thụ, vốn đầu tư kể cả rủi ro. Về phía doanh nghiệp cũng chưa chú trọng đến việc mở rộng “đối tượng” liên kết và đầu tư hình thành vùng sản xuất chuyên canh với những giống cây trồng thị trường cần...
Để phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua việc chủ động xây dựng phương hướng kế hoạch sản xuất phù hợp với thị trường; chủ động về giống, kỹ thuật; chủ động tính toán lợi nhuận và cả chủ động trong việc hạn chế rủi ro… có thể nói chỉ thực hiện được khi tạo ra mối liên kết nhiều nhà và Nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo để làm chỗ dựa cho nông dân, là hậu thuẫn để liên kết với “các nhà” khác. Để mối liên kết này bền vững, yêu cầu cũng cần đặt ra là các địa phương cần tính đến việc bảo đảm hài hòa về lợi ích giữa các nhà trong đó chú trọng đến lợi nhuận “ưu tiên” dành cho nhà nông. Có như vậy mới tạo điều kiện thúc đẩy cho nhà nông tái sản xuất, làm giàu cho gia đình và góp phần xây dựng nông thôn mới.
Tuấn Dũng