Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư số 51/ 2011/TT-BGDĐT quy định về đánh giá định kỳ quốc gia kết quả học tập của học sinh (HS) trong các cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT).
Bộ GD-ĐT cho biết, việc đánh giá định kỳ quốc gia kết quả học tập của HS trong các cơ sở GDPT được thực hiện trên quy mô toàn quốc nhằm: xem xét mức độ đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng, năng lực của HS theo chương trình hiện hành đối với các môn được khảo sát tại thời điểm khảo sát và các nhân tố tác động đến kết quả học tập của HS;
Và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu lâu dài về đánh giá kết quả học tập của HS để tiến hành cập nhập và phân tích xu thế thay đổi trong học tập của HS, từ đó xem xét hiệu quả thực hiện các thể chế và xây dựng những chính sách mới nhằm phát triển sự nghiệp GDPT;
Giám sát, đánh giá kết quả học tập của HS sau một giai đoạn học tập và rèn luyện, từ đó góp phần điều chỉnh việc thực hiện chương trình GDPT hiện hành và tạo cơ sở thực tiễn cho việc phát triển chương trình GDPT tiếp theo;
Xây dựng đội ngũ chuyên gia quốc gia chuyên nghiệp, thành thạo về đánh giá kết quả học tập của HS để thực hiện các kỳ khảo sát quốc gia và quốc tế.
Đồng thời, cung cấp kết quả và phương thức đánh giá kết quả học tập của HS trong các cơ sở GDPT cho các địa phương để thực hiện các hoạt động đánh giá quy mô cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương và cấp quận/huyện, tạo cơ sở cho hoạch định chính sách phát triển giáo dục của các địa phương.
Nội dung đánh giá bao gồm những kiến thức, kỹ năng, năng lực quy định trong Chương trình GDPT do Bộ GD-ĐT ban hành.
Các môn học được đánh giá:
Đối với khối lớp 5 gồm môn Toán và môn Tiếng Việt, đối với các khối lớp 9 và 11 gồm môn Toán và môn Ngữ văn. Trong mỗi lần đánh giá có thể thêm một số môn học khác tùy theo mục đích cụ thể của lần đánh giá đó và sẽ được thông báo trong Hướng dẫn nhiệm vụ năm học thuộc chu kỳ đánh giá.
Phương pháp đánh giá: sử dụng hình thức bài kiểm tra viết cho các môn đánh giá. Các câu hỏi kiểm tra kết hợp giữa hình thức trắc nghiệm và tự luận. Khuyến khích đưa các dạng bài nghe hiểu, đọc hiểu, các dạng bài vận dụng kiến thức để giải quyết các tình huống thực tiễn;
Sử dụng các kĩ thuật và các phần mềm tin học tiên tiến để chọn mẫu, thiết kế đề thi, quản lý thi, chấm bài, nhập dữ liệu, phân tích xử lý số liệu và quản lý kết quả đánh giá.
Thời điểm đánh giá định kỳ quốc gia sẽ được nêu cụ thể trong Hướng dẫn nhiệm vụ năm học thuộc chu kỳ đánh giá.
Theo Giáo dục & Thời đại Online