(NTO) Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng theo Nghị định số 42/2010/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 09/9/2011, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quy chế Thi đua, Khen thưởng theo Quyết định số 43/2011/QĐ-UBND thay thế Quyết định số 58/2009/QĐ-UBND ngày 16/02/2009. Theo đó, Quy chế Thi đua, Khen thưởng của UBND tỉnh ban hành năm 2011 có những điểm mới như sau:
Đồng chí Võ Đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân
đạt thành tích xuất sắc công tác xã hội hóa GD&ĐT. Ảnh: Sơn Ngọc
Về công tác thi đua: Ngoài việc qui định trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, cơ quan đơn vị trong tổ chức phong trào thi đua thuộc ngành, địa phương, cơ quan đơn vị, Qui chế mới qui định cụ thể hơn trách nhiệm của cơ quan tham mưu về công tác thi đua, khen thưởng các ngành, các cấp, cơ quan đơn vị, các doanh nghiệp. Các cơ quan có chức năng tham mưu về công tác thi đua, khen thưởng như Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh, Phòng Tổ chức hoặc Phòng Hành chính các sở ban ngành, cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp và Phòng Nội vụ các huyện, thành phố có trách nhiệm tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền, thủ trưởng về chủ trương, nội dung, chương trình, kế hoạch, biện pháp tổ chức các phong trào thi đua thường xuyên, thi đua theo đợt, thi đua chuyên đề và hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện; thẩm định thành tích trình khen thưởng; tham mưu sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phạm vi quản lý. Qui định trên nhằm cụ thể hoá chức năng, nhiệm vụ và tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, bộ phận tham mưu giúp cấp uỷ, chính quyền, thủ trưởng cơ quan trong việc nâng cao chất lượng các phong trào thi đua thường xuyên, thi đua theo đợt, thi đua đột xuất và đề xuất khen thưởng chính xác những tập thể, cá nhân điển hình xuất sắc, mô hình mới, nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt. Về biện pháp tổ chức thi đua ngoài việc tổ chức phát động thi đua, ký kết giao ước thi đua, công tác tuyên truyền thi đua, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến, điểm mới là bổ sung thêm biện pháp tổ chức thi đua điểm để rút kinh nghiệm và nhân rộng. Như vậy, trong tổ chức các phong trào thi đua thì từng ngành, địa phương, cơ quan đơn vị cần chọn điểm là tập thể trực thuộc để triển khai tổ chức thi đua, sơ tổng kết rút kinh nghiệm sau đó mới nhân ra diện. Nội dung này nhằm khắc phục việc tổ chức thi đua theo kiểu phong trào có “phát” mà không “động” qua đó nâng cao tính hiệu quả của từng phong trào thi đua đồng thời giúp cho công tác xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến đi vào nền nếp, thực chất hơn.
Về công tác khen thưởng: Nhằm bảo đảm khen thưởng chính xác, tránh khen tràn lan, hạn chế tình trạng chạy theo thành tích đồng thời khuyến khích khen tập thể nhỏ, người trực tiếp công tác, học tập, lao động, chiến đấu, Qui chế mới qui định “Một hình thức khen thưởng không trình quá hai lần cho một đối tượng trong một năm (trừ khen thưởng đột xuất)”. Như vậy, một đối tượng (tập thể, cá nhân) trong một năm chỉ được trình khen (bao gồm các hình thức khen thưởng và danh hiệu thi đua) ở một cấp khen không quá hai lần cho khen tổng kết năm công tác, khen thi đua chuyên đề, khen tổng kết 5 năm, 10 năm…Về đối tượng khen thưởng danh hiệu đua đối với tập thể có thay đổi so với qui định cũ, như: Cờ thi đua UBND tỉnh xét tặng cho các đơn vị dẫn đầu các khối thi đua do UBND tỉnh tổ chức, các tập thể dẫn đầu khối, cụm thi đua do sở ban ngành tỉnh, huyện, thành phố, cơ quan đơn vị tổ chức không thuộc diện xét tặng Cờ thi đua UBND tỉnh trong khen thưởng tổng kết công tác năm 2011. Tương tự danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc” xét tặng cho các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc các sở ban ngành tỉnh, đoàn thể cấp tỉnh và tương đương; Bệnh viện tỉnh và các phòng, khoa trực thuộc; phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc các huyện, thành phố, Ủy ban nhân dân cấp xã; Doanh nghiệp (trừ Tổng công ty) và các đơn vị trực thuộc doanh nghiệp. Theo đó, các tập thể nhỏ trực thuộc các đơn vị sự nghiệp và các cơ quan chuyên môn thuộc các sở ban ngành tỉnh, huyện, thành phố không thuộc diện xét tặng danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc”. Một điểm mới nữa trong khen thưởng “Tập thể Lao động xuất sắc” là qui định cụ thể trong năm tập thể đó không có cá nhân bị xử phạt hành chính, bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên hoặc hình thức “chuyển làm công việc khác có mức lương thấp hơn trong thời hạn tối đa 6 tháng” trở lên (nếu là đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ Luật Lao động). Qui định trên bắt buộc từng tập thể phải chú trọng công tác giáo dục tuyên truyền việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chấp hành kỷ luật của cơ quan nơi công tác; đối với mỗi cá nhân trong tập thể cần rèn luyện phẩm chất đạo đức, có ý thức trách nhiệm pháp luật, trách nhiệm công dân và ứng xử văn hoá trong quan hệ công tác, trong sinh hoạt. Bên cạnh việc điều chỉnh về đối tượng, cụ thể hoá tiêu chuẩn còn qui định bổ sung tỉ lệ xét khen thưởng “Tập thể Lao động xuất sắc” không quá 50% tổng số tập thể trực thuộc các sở ban ngành tỉnh, huyện, thành phố, cơ quan đơn vị. Các qui định trên giúp khen thưởng danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc” chính xác hơn, tính lan toả của tập thể trong phong trào thi đua có sức thuyết phục, lôi cuốn mọi người. Về thẩm quyền khen thưởng so với qui định cũ bổ sung thêm Tổng Công ty, Công ty cổ phần có thẩm quyền khen thưởng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng tương đương thẩm quyền Giám đốc sở ban ngành tỉnh.
Ngoài các qui định mới trên đây, Quy chế Thi đua, Khen thưởng của UBND tỉnh ban hành năm 2011 còn bổ sung thêm Quyền của cá nhân, tập thể trong thi đua, khen thưởng; Nghĩa vụ của cá nhân, tập thể trong thi đua, khen thưởng; Hành vi vi phạm và hình thức xử lý đối với cá nhân, tập thể được khen thưởng; Hành vi vi phạm và hình thức xử lý đối với người và cơ quan có thẩm quyền quyết định khen thưởng hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định khen thưởng; Khiếu nại, tố cáo về thi đua, khen thưởng và giải quyết khiếu nại tố cáo. Theo đó, các tập thể, cá nhân trong tổ chức, tham gia các phong trào thi đua, công tác khen thưởng đều gắn với trách nhiệm pháp lý nhất định.
Trường Ninh