Đặc biệt, Nghị định quy định, hành vi không đóng BHYT cho toàn bộ số người lao động có trách nhiệm tham gia BHYT của người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 0,5 – 30 triệu đồng. Nghị định này cũng nêu rõ, sẽ cảnh cáo đối với trường hợp vi phạm cấp thẻ BHYT chậm dưới 10 ngày làm việc so với thời gian quy định. Nếu chậm từ 10 ngày làm việc trở lên sẽ bị phạt tiền từ 0,3 - 8 triệu đồng, tùy thuộc vào số thẻ chậm cấp.
Những vi phạm của người sử dụng thẻ cũng được quy định rõ. Cụ thể: cho người khác mượn thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT của người khác trong khám bệnh, chữa bệnh bị phạt từ 0,5 - 2 triệu đồng.
Hành vi lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc mà thực tế không có người bệnh nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 0,5 – 24 triệu đồng tùy mức độ vi phạm. Mức phạt cao tới 40 triệu đồng sẽ áp dụng đối với hành vi kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế không có người sử dụng; lạm dụng dịch vụ y tế trong khám bệnh, chữa bệnh BHYT.
Chính phủ cũng ban hành Nghị định 93/2011/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuốc, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế. Theo đó, hành vi bán buôn thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng hoặc thuốc đã hết hạn sử dụng thì sẽ bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng. Bán thuốc cao hơn giá niêm yết phạt đến 10 triệu đồng. Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với cơ sở bán lẻ hoặc phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với cơ sở bán buôn thực hiện hành vi bán thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc không đúng đối tượng sử dụng…
Thông tin quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và các sản phẩm không phải là thuốc với nội dung không rõ ràng khiến người tiêu dùng hiểu nhầm đó là thuốc sẽ bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng./.
Theo SGGP Online