Theo các nhà khoa học, virus Megavirus Chilensis dài gấp 10 đến 20 lần so với virus thông thường. Nó có thể xâm nhập vào các loài amip, sinh vật đơn bào sinh sống tự do trong nước biển.
Với đường kính phân tử khoảng 0,7 micromet (1 micromet bằng 1/1000 milimet), Megavirus Chilensis không cần sử dụng kính hiển vi điện tử mà chỉ cần dùng kính hiển vi quang học để quan sát - Giáo sư Jean-Michel Claverie thuộc đại học Aix-Marseille (Pháp) cho biết.
Cấu trúc của Megavirus chilensis giống như sợi tóc
Có cấu trúc giống như sợi tóc hoặc dạng sợi, bên ngoài có lớp vỏ protein, virus Megavirus Chilensis không thể tự nhân bản ở môi trường tự nhiên mà cần phải xâm nhập vào tế bào khác nếu muốn sinh sôi.
Giáo sư Jean-Michel Claverie và các cộng sự cũng cho biết, virus trong đại dương phải được quan tâm đặc biệt vì chúng ảnh hưởng rất lớn đến quần thể sinh vật phù du, vi sinh vật vốn là cơ sở của chuỗi thức ăn biển.
Theo các nhà khoa học, virus vừa được phát hiện tại Chile chính thức đánh bại Mimivirus (được tìm thấy trong nước của một tháp giải nhiệt ở Anh vào năm 1992), để trở thành virus lớn nhất thế giới vừa được con người phát hiện.
Nguồn Báo SGGP Online