Trong năm, Sở KH&CN đã triển khai 10 nhiệm vụ KH&CN ở lĩnh vực nông nghiệp CNC; trong đó, đã nghiệm thu 3 nhiệm vụ cho một số sản phẩm nông nghiệp đặc thù, có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh như: Nho, táo, nha đam, tôm giống, măng tây xanh để tập trung nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ phát triển thành các sản phẩm chủ lực.
Các đề tài, dự án KH&CN đã áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào canh tác làm tăng cả về số lượng và chất lượng sản phẩm. Cụ thể, giống nho NH01-152 sản xuất trong nhà màng đạt năng suất 24,9 tấn/ha/2 vụ; ứng dụng kỹ thuật thâm canh cây măng tây xanh theo hướng CNC ngày càng chiếm ưu thế trên địa bàn tỉnh; mô hình quản lý tổng hợp sâu đục quả và bệnh phấn trắng đạt hiệu quả phòng trừ sâu đục quả trên 99%, bệnh phắn trắng 98,7%, tăng năng suất 9,5 tấn/ha và tăng lợi nhuận 28,7% so với sản xuất đại trà.
Các doanh nghiệp, đơn vị đã làm chủ được công nghệ nuôi cấy mô trong nhân giống nha đam sạch bệnh, cung cấp hàng triệu cây giống cho sản xuất; xây dựng vườn sưu tập giống nho mới và lưu giữ, bảo quản, đánh giá các nguồn gen nho phục vụ công tác chọn tạo giống mới; thử nghiệm các giải pháp nhân giống cho các mẫu giống nho được tuyển chọn, thiết lập và chia sẻ dữ liệu, hệ thống thông tin tư liệu về nguồn gen cây nho...
Nông dân thôn Thái An, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) chăm sóc vườn nho NH01-152. Ảnh: H.N
Ngoài ra, ngành KH&CN cùng với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng KH&CN vào thực tiễn sản xuất, nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả, sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Đến nay, diện tích ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh đạt hơn 825ha. Tỉnh đã thu hút đầu tư 31 dự án đi vào hoạt động; trong đó, 18 dự án trồng trọt, 3 dự án chăn nuôi, 8 dự án thủy sản, 2 dự án chế biến nông sản. Một số sản phẩm đặc thù khẳng định được lợi thế cạnh tranh, có thương hiệu như: Bưởi da xanh, dưa lưới, măng tây xanh, nho, táo, heo bản địa, dê, cừu, bò vàng.
Thông qua chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng CNC, nhiều doanh nghiệp và người dân bước đầu mạnh dạn đầu tư các dự án đi vào hoạt động hiệu quả; diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC được mở rộng, tập trung một số sản phẩm đặc thù của các địa phương, từng bước khẳng định được thương hiệu, lợi thế cạnh tranh trên thị trường; giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC khoảng 938 triệu đồng/ha, riêng dưa lưới và nho CNC hơn 1,2 tỷ đồng/ha/năm.
Đáng kể hơn là hình thành các vùng sản xuất tập trung đáp ứng các điều kiện, tiêu chí đề xuất công nhận là vùng nông nghiệp ứng dụng CNC, gồm: Vùng sản xuất tôm giống CNC An Hải và Vùng rau an toàn An Hải. Hỗ trợ, hình thành 4 doanh nghiệp nông nghiệp CNC, gồm: Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố, Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt, Công ty Cổ phần Nắng và Gió, Công ty TNHH Việt Úc - Ninh Thuận. Thu hút hơn 5 doanh nghiệp ngoài tỉnh có quy mô lớn làm hạt nhân: Công ty Hạo Phương - Đại Ninh; Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt; Công ty TNHH Việt Úc - Ninh Thuận; Công ty Segull-ADC. Tính đến nay, có 22 dự án dự án nông nghiệp ứng dụng CNC hoạt động hiệu quả.
Thông qua triển khai chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư dự án nông nghiệp ứng dụng CNC, hỗ trợ nông nghiệp nông thôn, UBND tỉnh đã phê duyệt 5 dự án, trong đó đã triển khai 2 dự án. Đối với dự án Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất quả thể đông trùng hạ thảo trên nguồn cơ chất tổng hợp quy mô bán công nghiệp tại xã An Hải, qua tính toán 1 năm sản xuất, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được khoảng 391 triệu/năm. Riêng dự án Cây trồng mới ứng dụng CNC tại xã An Hải đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp CNC trên địa bàn huyện Ninh Phước, với doanh thu khoảng 810 triệu đồng/ha/vụ, trung bình sản xuất khoảng 3 vụ/năm, sau khi trừ chi phí sản xuất và khấu hao nhà màng, lợi nhuận đạt trên 600 triệu đồng/ha/năm.
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 12/10/2021 của Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng CNC giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, thời gian tới, Sở KH&CN ưu tiên tổ chức xác định, triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ và hợp tác liên kết với các viện nghiện cứu, trường đại học để nghiên cứu, lựa chọn các quy trình, công nghệ sản xuất, các loại giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng, phù hợp với tiền năng, lợi thế và tình hình sản xuất của tỉnh.
Anh Tùng