Tham vọng vũ trụ của Châu Âu

Châu Âu sẽ dẫn đầu sứ mệnh không gian tham vọng nhất từ trước đến nay của con người trong nỗ lực nghiên cứu hành vi của mặt trời.

Được biết đến với cái tên Solar Orbiter, phi thuyền không người lái sẽ phải hoạt động cách mặt trời chỉ khoảng 42 triệu km, gần hơn bất cứ phi thuyền nào từng dám bén mảng đến ngôi sao trung tâm của Hệ mặt trời. Sứ mệnh này vừa được Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) thông qua, với dự kiến rằng Solar Orbiter sẽ được phóng vào năm 2017 và chi phí lắp đặt vọt lên gần 1 tỉ euro. Khác với những lần trước đây, đợt này Cơ quan Hàng không - Không gian Mỹ (NASA) chỉ góp phần khiêm tốn với 2 thiết bị và tên lửa đẩy.

Solar Orbiter được kỳ vọng sẽ làm rạng danh EU trong lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ
- Ảnh: ESA

Bên cạnh đó, phái đoàn của ESA cũng quyết định chọn thêm một sứ mệnh mới nhằm theo đuổi cuộc điều tra 2 trong số những bí mật vĩ đại nhất của ngành vũ trụ học hiện đại, đó là vật chất tối và năng lượng tối. Theo đó, kính viễn vọng trên không gian Euclid sẽ chịu trách nhiệm vạch ra bản đồ phân bố của các dải thiên hà trong suốt 10 tỉ năm lịch sử vũ trụ nhằm đưa ra một cái nhìn mới mẻ về vấn đề này. Cũng như Solar Orbiter, Euclid có thể mất đến 1 tỉ euro để chế tạo. Tuy nhiên, sứ mệnh trên cần phải vượt qua một số rào cản về pháp lý, và dự án nhiều khả năng sẽ được thực hiện vào năm sau. Dự kiến, thời gian phóng phi thuyền có thể phải đợi đến năm 2019.

“Cả hai đều là những sứ mệnh thú vị, và điều đáng mừng là giải Nobel Vật lý năm nay về tay công trình nghiên cứu về sự giãn nở vũ trụ”, BBC dẫn lời Giám đốc khoa học ESA là Alvaro Gimenez. Việc lựa chọn 2 dự án khổng lồ trên đã được diễn ra sau 4 năm tranh luận dữ dội giữa các nhà nghiên cứu và kỹ sư trên khắp châu Âu. Và Solar

Orbiter và Euclid đã vượt qua những đối thủ sừng sỏ khác như dự án chế tạo kính viễn vọng tìm kiếm hành tinh giống trái đất tên gọi Plato. Bản thân ESA sẽ đầu tư khoảng 500 đến 600 triệu euro cho mỗi dự án, và các quốc gia thành viên sẽ chi trả chi phí cho các thiết bị sẽ được lắp đặt trên tàu Solar Orbiter và Euclid.

Người Mỹ hiện đang theo đuổi một cách tuyệt vọng một sứ mệnh tương tự Euclid mà họ gọi là WFirst (viết tắt từ Wide-Field Infrared Survey Telescope: Kính viễn vọng nghiên cứu hồng ngoại biên độ rộng). Tuy nhiên, sức ép từ ngân sách đang thâm hụt nặng nề của Washington nhiều khả năng sẽ khiến WFirst ra đời sau khi Euclid đang chu du trong vũ trụ, giúp châu Âu có được vị thế dẫn đầu một cách rõ ràng trong cuộc chạy đua giành ảnh hưởng của nền vật lý học thiên thể hiện đại. Trước đây, ESA từng mở ngỏ cánh cửa chào đón NASA gia nhập dự án chế tạo Euclid, và nếu muốn người Mỹ có thể đóng góp đến 20% dự án, và lời mời chào này vẫn còn nguyên giá trị.

Nguồn Thanh Niên Online