Nâng cao hiệu quả xác lập quyền sở hữu trí tuệ

Hiện nay, việc xác lập sở hữu trí tuệ có nhiều chủ thể tham gia, từ người nộp đơn, tổ chức đại diện và Cục Sở hữu trí tuệ. Do đó, việc phối hợp nhịp nhàng giữa các chủ thể này là hết sức quan trọng và cần thiết.

Hội thảo về “Quan hệ giữa cơ quan sở hữu trí tuệ, đại diện sở hữu trí tuệ và người nộp đơn trong việc nâng cao hiệu quả xác lập quyền sở hữu trí tuệ”, khai mạc ngày 5/10 tại Hà Nội.

Ảnh: Chinhphu.vn

Hội thảo do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Viện Sáng chế Nhật bản tổ chức, diễn ra trong 2 ngày.

Theo ông Phạm Phi Anh, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, sở hữu trí tuệ là một trong những công cụ hữu hiệu mà các nước đang sử dụng để phát triển kinh tế, đặc biệt là sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, sở hữu công nghiệp chỉ trở thành công cụ đắc lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội của một đất nước nếu các doanh nghiệp của nước đó sử dụng công cụ này trong sản xuất, kinh doanh.

Hiện nay, việc xác lập sở hữu trí tuệ có nhiều chủ thể tham gia, từ người nộp đơn, tổ chức đại diện và Cục Sở hữu trí tuệ. Do đó, việc phối hợp nhịp nhàng giữa các chủ thể này là hết sức quan trọng và cần thiết.

Ông Takao Ogiya, Giám đốc Trung tâm sở hữu công nghiệp châu Á-Thái Bình Dương đã đưa ra mô hình Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia của Nhật Bản dựa trên chu kỳ sáng tạo trí tuệ: Từ sáng tạo (nghiên cứu và triển khai) đến bảo hộ (xác lập quyền đối với sáng chế) và sử dụng thực tế (áp dụng cho doanh nghiệp), từ đó có kinh phí để quay lại hỗ trợ cho sáng tạo.

Tại hội thảo, các vấn đề cụ thể như viết bản mô tả sáng chế như thế nào, các công đoạn từ sáng chế đến bằng độc quyền sáng chế, thực trạng các vấn đề và giải pháp cho quá trình xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu… cũng được đưa ra thảo luận.

Ông Phạm Phi Anh đánh giá rất cao kinh nghiệm của các chuyên gia Nhật Bản trong việc xây dựng và bảo hộ thành công nhiều sáng chế, đồng thời mong muốn phía Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong công tác xây dựng thể chế cũng như công tác xác nhận quyền sở hữu trí tuệ, đưa các bảo hộ này trở thành công cụ hữu ích trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội.

Nguồn www.chinhphu.vn