IAEA sẽ giúp Việt Nam làm điện hạt nhân

Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đánh giá cao sự phát triển của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và cho biết cơ quan này sẽ giúp chúng ta xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.

- Sau sự cố nhà máy hạt nhân Fukushima, nhiều nước như Đức, Thụy Sĩ đã không tiếp tục theo con đường này. Ông nghĩ sao khi Việt Nam đang chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên?

Ông Yukiya Amano. Ảnh: Tuấn Anh.

- Phải nói rằng sự cố Fukushima là vô cùng nghiêm trọng. Tuy nhiên, đây cũng là bài học để Việt Nam và các nước khác trên thế giới có thể đúc kết kinh nghiệm làm sao để đảm bảo an toàn hơn khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Sự cố ở Nhật Bản có nguyên nhân là nước này đã đánh giá thấp tác động của động đất sóng thần nên hậu quả mới nghiêm trọng như vậy. Vấn đề này sẽ được bàn thảo sâu hơn tại hội thảo liên quan đến địa chất của nhà máy điện hạt nhân tổ chức vào tháng 11 này.

Sau sự kiện đáng tiếc này, một trong bài học cần lưu ý đó là nâng cao năng lực, tính độc lập của cơ quan pháp quy cao hơn. Tôi rất mừng khi biết sắp tới Việt Nam sẽ sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử, trong đó có nhấn mạnh đến việc tăng cường năng lực và tính độc lập của cơ quan pháp quy.

- Ông đánh giá thế nào về khả năng phát triển năng lượng nguyên tử ở Việt Nam?

- Tôi thấy rằng những năm qua Việt Nam có nỗ lực và đạt thành công trong việc đào tạo, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và nâng cao trình độ của đội ngũ chuyên gia điện hạt nhân. Tôi cũng biết, Việt Nam cũng là quốc gia đạt thành công về ứng dụng năng lượng nguyên tử, đặc biệt là sử dụng bức xạ trong điều trị y tế

Việt Nam luôn dành sự quan tâm lớn tới vấn đề an toàn điện hạt nhân. Điều này được thể hiện gần đây nhất năm 2010, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về an toàn và an ninh năng lượng nguyên tủ tổ chức tại Mỹ. Tôi hy vọng, Việt Nam sẽ tiếp tục tích cực tham gia Hội nghị này được tổ chức tại Seoul (Hàn Quốc) đầu năm 2012.

Tôi tin Việt Nam sẽ thành công trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử nói chung và điện hạt nhân nói riêng.

Xã Phước Dinh, nơi dự kiến đặt nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của VN. Ảnh do Ban chuẩn bị đầu tư dự án cung cấp.

- Nhân lực đang là vấn đề quan tâm hàng đầu ở Việt Nam, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm để Việt Nam có thể đào tạo nhân lực có trình độ phục vụ cho nhà máy điện hạt nhân?

- Tôi nhận thấy trong thời gian qua Việt Nam đã tăng cường năng lực kỹ thuật phục vụ cho dự án điện hạt nhân đầu tiên. Ở đất nước nào cũng vậy, khi cân nhắc xây dựng dự án điện hạt nhân đều phải cân nhắc chương trình đào tạo nhân lực quốc gia, làm thế nào để phát triển nó một cách đúng đắn và đúng hướng.

Ngày nay có nhiều quốc gia phát triển về điện hạt nhân như Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc sẵn sàng giúp đỡ các nước khác đang cần phát triển nguồn nhân lực xây dựng nhà máy điện hạt nhân như Việt Nam. Ngoài ra Việt Nam có thể liên kết với các nước trong khối IAEA cùng nhau trao đổi kinh nghiệm về đào tạo nhân lực, tìm ra phương pháp, công nghệ kỹ thuật phát triển điện hạt nhân có mức độ an toàn cao nhất.

Đã có rất nhiều khoá và hình thức đào tạo trong mạng lưới liên kết này. Đây là cơ hội cho Việt Nam tiếp cận những thông tin hữu ích để xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam.

- Trong thời gian tới IAEA và Việt Nam sẽ có kế hoạch hợp tác như thế nào?

- Trong thời gian qua có rất nhiều hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và IAEA. IAEA đã giúp Việt Nam trong việc Phê chuẩn Nghị định thư bổ sung cho Hiệp định thanh sát (Aditional Protocol); Tham gia Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và Bản sửa đổi Công ước.

IAEA coi Việt Nam là một trong những quốc gia nhận được sự quan tâm đặc biệt của IAEA. Tôi biết Việt Nam đang triển khai và ứng dụng năng lượng nguyên tử không chỉ trong lĩnh vực điện hạt nhân mà còn rất thành công trong kiểm soát ung thư.

Sau sự cố điện hạt nhân ở Nhật, IAEA đã phối hợp tổ chức nhiều hội thảo với các quốc gia xây dựng điện hạt nhân, trong đó có Việt Nam. Đầu tháng 11 tới, IAEA có hội thảo lựa chọn địa điểm cho Việt Nam trong vấn đề địa chất sóng thần và động đất ở Ninh Thuận.

IAEA sẽ tăng cường hơn nữa hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, các quy định về an toàn, an ninh cũng như khả năng vận hành vả xử lý sự cố của các nhà máy điện hạt nhân.

Nguồn VnExpress.net