Đó là ý kiến của TS Cao Sỹ Kiêm, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong cuộc trao đổi với phóng viên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần hỗ trợ
các ngân hàng làm ăn hiệu quả, công nghệ tốt, quản lý tốt, có dự án tốt. - Ảnh: Chinhphu.vn
Ông đánh giá thế nào về Thông tư 30 vừa qua của Ngân hàng Nhà nước?
Trước hết, phải nói rằng, tình hình lãi suất hiện nay có một số thuận lợi cho việc hạ lãi suất. Lạm phát mấy tháng nay luôn ở dưới 1%, nhập siêu cũng đã bắt đầu giảm, bội chi ngân sách giảm dưới 5%. Thanh khoản của các ngân hàng được cải thiện hơn.
Khi chúng ta đưa ra trần lãi suất 14%, nhiều ngân hàng thiếu vốn đã “lách” bằng cách huy động lãi suất ngày, lãi suất tuần. Nếu để kéo dài, đây sẽ là hình thức đua lãi suất, làm cho lãi suất đi theo đường thẳng không đi theo đường cong, làm méo mó chính sách tiền tệ.
Do đó, việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 30 để khống chế lãi suất không kỳ hạn và lãi suất kỳ hạn cực ngắn là biện pháp tích cực, kịp thời, bổ trợ hữu hiệu cho việc xử lý dứt điểm tình trạng “loạn lãi suất” trong hoạt động huy động vốn của các ngân hàng thương mại.
Tất nhiên, về lâu dài, vẫn còn những vấn đề có thể ảnh hưởng đến lãi suất như tính thời vụ của lạm phát vẫn còn, nhu cầu vốn cuối năm tăng cao, thiên tai và tác động từ tình hình kinh tế thế giới rất khó lường…
Biện pháp hành chính là những biện pháp tình thế, tức thời và có thể nói là “kỵ” với kinh tế thị trường, nhưng trong tình huống đột xuất vẫn có thể dùng, điều quan trọng là cần minh bạch, thực hiện nghiêm.
Nhiều ngân hàng kỳ vọng, việc quy định trần lãi suất kỳ hạn cực ngắn sẽ khiến khách hàng gửi ở những kỳ hạn dài hơn. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Đúng là việc hạn chế lãi suất quá cao ở ngắn hạn sẽ tạo cơ hội cho việc chuyển dần sang huy động dài hạn. Tuy nhiên, phải thấy rằng lãi suất huy động quá cao cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và làm giảm lợi nhuận, buộc chính các ngân hàng phải điều chỉnh. Chỉ có những ngân hàng quá khó khăn mới huy động lãi suất ngắn hạn ở mức cao, nhưng họ phải chấp nhận rủi ro sau này rất lớn.
Có lo ngại rằng Thông tư 30 ảnh hưởng đến tính thanh khoản các ngân hàng nhỏ?
Đúng là với mức lãi suất 14% “cào bằng” thì ưu thế thuộc về các ngân hàng lớn. Trong bối cảnh hiện nay, dòng vốn chưa chắc đã chảy ra khỏi hệ thống ngân hàng mà có thể điều chỉnh, tập trung vào các ngân hàng lớn do người gửi tiền có tâm lý muốn an toàn, sợ khả năng thanh khoản của các ngân hàng nhỏ không tốt bằng. Các ngân hàng nhỏ cần tính toán cân đối lại nợ cho khoản vay, đảm bảo an toàn và chắc chắn, giảm chi phí, tăng cường các dịch vụ.
Dù vậy, nếu dòng vốn chảy ra khỏi ngân hàng, đầu tư vào những lĩnh vực khác có lợi, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, thì cũng nên khuyến khích.
Tuy nhiên, tôi cho rằng dù thế nào, Ngân hàng Nhà nước cũng cần hỗ trợ các ngân hàng. Đặc biệt, với các ngân hàng làm ăn hiệu quả, công nghệ tốt, quản lý tốt, có dự án tốt thì cần bơm vốn thông qua cho vay tái chiết khấu, tái cấp vốn và đây là giải pháp chính. Giải pháp thứ hai là khuyến khích vay vốn qua thị trường liên ngân hàng, đảm bảo an toàn hệ thống.
Hiện nhiều doanh nghiệp vẫn phàn nàn rằng khó vay được vốn với lãi suất ưu đãi từ 17-19%, thưa ông?
Thực tế, ngay cả ở mức lãi suất 17-19%, nhiều doanh nghiệp vừa nhỏ cũng phải ngần ngại vay. Lãi suất 14-15% thì doanh nghiệp tạm thời chịu đựng được. Tuy nhiên, việc điều chỉnh lãi suất cũng có nguyên tắc, lãi suất so với lạm phát kỳ vọng phải đảm bảo thực dương. Ví dụ, lạm phát 12%/năm thì với huy động 14%, người gửi tiền được lợi 2%, doanh nghiệp vay 16% thì sản xuất kinh doanh phải lãi 20-22% thì mới tồn tại được.
Giảm lãi suất cũng phải có điều kiện, chỉ chấp nhận những đối tượng làm ăn có hiệu quả, chứ không phải “bao” tất cả, bởi nếu thế nền kinh tế sẽ phải chịu hậu quả lớn. Qua tìm hiểu của tôi, thực tế cũng mới triển khai, số doanh nghiệp vay được lãi suất này không nhiều.
Trước hết, dư địa tín dụng còn ít, 9 tháng đã tăng hơn 11%, vừa rồi chỉ cho nâng lên 17%, thay vì 20% như trước, nghĩa là chỉ còn gần 6%. Do đó, các ngân hàng quy định điều kiện cho vay rất chặt chẽ, ví dụ lãi liên tục 2 năm, không nợ thuế, không nợ quá hạn, có dự án tốt. Thêm vào đó, khi lãi suất cao, bản thân các doanh nghiệp cũng phải tính toán có nên vay vốn hay không.
Ngoài ra, trong điều hành tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ quan tâm hơn đến các vấn đề liên quan đến tăng trưởng tín dụng thực tế, những khoản chuyển nợ, từ nợ xấu sang nợ tốt, nợ quá hạn lại làm thủ tục chuyển sang nợ tốt, các kiểu ủy thác đầu tư và rủi ro.
Như vậy, theo ông, thực tế đã đặt ra yêu cầu phải khẩn trương tái cơ cấu hệ thống ngân hàng?
Về dài hạn, tôi cho rằng, cùng với những đột phá về thể chế, hạ tầng và chất lượng nguồn lực, phải đặc biệt chú ý tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng mới đảm bảo thành công. Có thể nói, hệ thống ngân hàng hiện nay còn có những hạn chế về khả năng lôi kéo, thúc đẩy nền kinh tế.
Việc tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng không chỉ là tái cơ cấu những ngân hàng nhỏ, bởi có những ngân hàng nhỏ còn có hiệu quả cao hơn ngân hàng lớn. Tuy nhiên, các ngân hàng nhỏ vẫn có thể áp dụng các hình thức như sát nhập, gọi cổ phần… Còn với các ngân hàng lớn, vẫn phải tiếp tục đổi mới về khả năng quản lý, về công nghệ…
Nguồn www.chinhphu.vn