Đề nghị chưa đưa cây biến đổi gen trồng đại trà vào năm 2012

Trước thông tin từ năm 2012 bắt đầu đưa cây ngô biến đổi gen ra trồng diện rộng mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị, sáng nay, 5-10, tại Hà Nội, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức hội thảo về việc có nên đưa cây biến đổi gen ra trồng diện rộng, mặt lợi và hại của cây trồng biến đổi gen.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, để tiến tới đưa cây biến đổi gen ra ruộng đồng, hiện nay các cơ quan của Việt Nam đã cho phép khảo nghiệm trên cây ngô biến đổi gen ở bước thứ hai tại 4 tỉnh gồm: Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Đắk Lắk, Bà Rịa Vũng Tàu. Bước đầu cho kết quả khá khả quan và tháng 11-2011 sẽ trình Hội đồng An toàn sinh học quốc gia nghiệm thu, sau đó sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Tuy nhiên, tại cuộc hội thảo, có hai luồng quan điểm trái ngược nhau của các nhà khoa học Việt Nam. Luồng quan điểm thứ nhất cho rằng, nên cho triển khai ngay việc trồng cây biến đổi gen, cụ thể là ngô, để làm thức ăn chăn nuôi, giảm nhập khẩu ngô và đậu tương. Vả lại, hiện nay dù muốn hay không muốn thì thực tế chúng ta đã và đang nhập khẩu, sử dụng các sản phẩm biến đổi gen của thế giới.

Luồng quan điểm thứ hai cho rằng, mặc dù cây trồng biến đổi gen hiện đã được trồng ở 29 nước và khoảng 50 nước đang sử dụng sản phẩm cây biến đổi gen, song những tác hại lâu dài của sản phẩm cũng như cây trồng biến đổi gen thì chưa được đánh giá kỹ, chưa phát lộ. Do đó, Việt Nam cần phải có một lộ trình nghiên cứu, khảo nghiệm cẩn thận. Đề nghị chưa đưa ra trồng diện rộng với cây ngô biến đổi gen ở Việt Nam như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đặt ra vào năm 2010, mà cần phải khảo nghiệm thêm, tiến hành độc lập, không phụ thuộc các tập đoàn cung ứng giống biến đổi gen của nước ngoài.

Nguồn Báo SGGP