Vấn đề hôm nay

Để nông dân sản xuất lúa có lãi

Vụ hè-thu năm nay nhiều nông hộ sản xuất lúa trong tỉnh rất phấn chấn bởi các lý do: thời tiết thuận lợi, sâu bệnh ít; nước tưới được bảo đảm và năng suất đạt cao.

(NTO) Ngoài yếu tố thời tiết không thể chủ động, còn lại các yếu tố khác trong sản xuất bà con nông dân đã ngày càng “làm chủ” được nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Cụ thể như nếu áp dụng đúng cách và đồng bộ mô hình “3 giảm, 3 tăng” trên đồng ruộng thì không những tiết giảm được chi phí đầu tư cho sản xuất (cả về giống lúa, vật tư nông nghiệp…) mà còn tạo ra năng suất cao, sản phẩm sạch, đáp ứng được nhu cầu ngày càng “khó tính” của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Ngay cả khâu nước tưới cho cây lúa cũng khác cách làm truyền thống, đó là lấy nước lứa theo phiên thay vì giữ mực nước thường xuyên trong ruộng. Bằng kỹ thuật này đã tiết kiệm rất lớn lượng nước tưới, nhất là đối với địa phương khô hạn như tỉnh ta, đồng thời cũng góp phần làm cho cây lúa phát triển tốt, kiểm soát được dịch bệnh và năng suất đạt cao hơn…

Theo số liệu thống kê, vụ hè-thu này nông dân trong tỉnh xuống giống trên 14.270 ha lúa, tăng 28,8% so với cùng vụ. Kết thúc vụ năng suất lúa bình quân đạt 58,5 tạ/ha, tăng 4,3 tạ/ha so cùng vụ, góp phần nâng sản lượng lên 83,4 nghìn tấn, tăng 39,1% so cùng vụ năm trước. Theo nhiều nông hộ cho biết, với năng suất trên cộng với giá lúa hiện nay dao động từ 6.000 – 6.500 đồng/kg thì chuyện lãi ít nhất 30% như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là có thể đạt tới. Thậm chí không ít hộ còn lãi cao hơn tương ứng với năng suất đạt được. Chỉ có điều nhiều bà con còn băn khoăn, đó là giá lúa nhiều năm qua vẫn không “chạy” theo kịp với giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Mặt khác, chi phí cho nhân công trong các khâu như làm cỏ, thu hoạch, làm đất… cũng tăng khá cao. Cho nên tiếng là lúa được giá nhưng thực chất nếu tính đúng, đủ thì lợi nhuận “ròng” không còn bao nhiêu. Để hạt lúa không còn phải “gánh” quá nặng chi phí đầu tư yêu cầu đặt ra là cần sự liên kết tích cực của “4 nhà”. Chỉ có tăng năng suất lúa, giảm chi phí đầu tư và ổn định được đầu ra thì nông dân mới thực sự phát triển kinh tế từ hạt lúa do mình làm ra.