Vượt qua khó khăn để tăng trưởng

9 tháng qua, cũng như nhiều địa phương trong cả nước tỉnh ta chịu nhiều sự bất lợi do thế giới và trong nước tác động. Mặt khác tỉnh ta còn phải đối diện với những khó khăn như qui mô nền kinh tế nhỏ, sức cạnh tranh thấp và thiệt hại do cơn lũ lịch sử vào tháng 11-2010 để lại hậu quả nặng nề cho sản xuất và đời sống nhân dân…

(NTO) Những yếu tố nêu trên đã ảnh hưởng lớn đến thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế chung của tỉnh. Tuy nhiên, bằng sự chỉ đạo, điều hành sát tình hình thực tế của Tỉnh ủy và UBND tỉnh cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh đã tạo được những chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực kinh tế.

Trong 9 tháng qua, toàn tỉnh đạt trên 1.280 sản phẩm may công nghiệp, tăng 81,5% so cùng kỳ,
trong đó Công ty TNHH May Tiến Thuận chiếm 72% số lượng sản phẩm.
Trong ảnh: Công nhân Công ty may Tiến Thuận gia công hàng may mặc xuất khẩu. Ảnh: Văn Miên

Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng (GDP) tính chung 9 tháng đạt 8,4%. Đóng góp vào sự tăng trưởng nói trên đầu tiên phải đề cập đến là ngành nông nghiệp và thủy sản với giá trị sản xuất toàn ngành đạt trên 2.190 tỷ đồng, tăng 8,4%; trong đó nông, lâm nghiệp tăng 9,8%, thủy sản tăng 7,1%. Đơn cử như ở lĩnh vực trồng trọt nhờ thời tiết tương đối thuận lợi, nguồn nước tưới được bảo đảm, dịch bệnh trên cây trồng được kiểm soát chặt chẽ nên sản xuất vụ Hè-Thu phát triển khá, diện tích gieo trồng đạt 30.342 ha, tăng 21,1% , năng suất một số cây trồng chính tăng, cơ cấu cây trồng chuyển dịch tích cực, diện tích một số cây công nghiệp ngắn ngày tăng cao, như cây mía tăng 14%, mỳ tăng 32,8%. Đáng nói là các mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân rộng như mô hình tưới tiết kiệm được triển khai ở huyện Ninh Phước đạt kết quả bước đầu, góp phần giảm chi phí để nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân.

Tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm của tỉnh ta qua các năm (%)

Về sản xuất thủy sản, nhờ thời tiết và ngư trường vụ cá Nam thuận lợi nên sản lượng khai thác ước đạt 52.832 tấn, bằng 99,7% KH năm, tăng 12,2%; sản xuất giống thủy sản ước đạt 11,3 tỷ con, đạt 103 % KH năm và tăng 28,9%.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục có bước phát triển, giá trị sản xuất 9 tháng đạt hơn 1.224 tỷ đồng, tăng 17,2%. Trong đó, một số sản phẩm duy trì ổn định và có mức tăng khá như tinh bột mỳ tăng 2,9 lần, may công nghiệp tăng 1,8 lần, đường RS tăng 55,3%; một số cơ sở đầu tư mở rộng qui mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm như Cty CP Nông Sản Ninh Thuận đầu tư hệ thống dây chuyền tự động chế biến nhân điều; Cty CP Mía đường Phan Rang đầu tư nâng công suất ép mía từ 700 tấn/ngày lên 1.000 tấn/ngày; Cty TNHH Thông Thuận đầu tư nâng cấp thiết bị nhà máy chế biến thủy sản Phan Rang đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Nhật; nâng công suất nhà máy chế biến tinh bột mỳ từ 80 tấn/ngày lên 120 tấn/ngày. Ngoài ra, có một số dự án đầu tư hoàn thành đã phát huy được năng lực sản xuất, đóng góp tăng trưởng ngành công nghiệp như chế biến muối cao cấp, chế biến nước Yến, chế biến đá granite... Tuy nhiên vấn đề hạn chế nổi lên, đó là một số sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn và có khả năng tạo tăng trưởng cao cho ngành công nghiệp giảm hoặc có tăng nhưng còn thấp như như sản lượng chế biến nhân hạt điều tăng 7,7%, xi-măng Luks tăng 4,1%, chế biến tôm xuất khẩu giảm 19%, do khó khăn về nguyên liệu, thị trường tiêu thụ.

Ảnh: Văn Miên

Các ngành dịch vụ đạt giá trị sản xuất trên 1.436 tỷ đồng, bằng 71% KH năm, tăng 8,6% so cùng kỳ. Trong số này về lĩnh vực thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 9 tháng tăng 22,8% so cùng kỳ; du lịch trong 9 tháng lượng du khách đến tỉnh tăng khá, với hơn 682 ngàn lượt, tăng 22,2% so cùng kỳ và bằng 85,3% kế hoạch năm, trong đó khách quốc tế hơn 56 ngàn lượt, tăng 25,4%, khách trong nước hơn 626 ngàn lượt tăng 21,9%...

Đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh không thể thiếu vai trò của các ngân hàng. Kết quả cho thấy trong 9 tháng qua, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã cơ cấu lại vốn cho vay theo hướng ưu tiên vốn cho sản xuất-kinh doanh, hạn chế cho vay lĩnh vực bất động sản, chứng khoán . Tính đến cuối tháng 9-2011, dư nợ cho vay lĩnh vực sản xuất-kinh doanh hơn 4.600 tỷ đồng, tăng 12,7% so với tháng 12-2010, chiếm 84,7% tổng dư nợ; lĩnh vực phi sản xuất 830 tỷ đồng, tăng 5,3% so với tháng 12-2010, chiếm 15,2% tổng dư nợ (giảm 0,9% so với tháng 12-2010). Cũng trong 9 tháng qua huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 4.030 tỷ đồng, bằng 57% KH năm và tăng 32% so cùng kỳ, trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước ước đạt 1.390 tỷ đồng, đạt 64% KH, tăng 40%, vốn của các thành phần kinh tế và dân cư ước đạt 2.490 tỷ đồng, đạt 53% KH, tăng 28%.

Ảnh: Văn Miên

Điều cũng đáng ghi nhận là việc thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh ngày càng đạt nhiều kết quả tích cực, nhất là ở một số lĩnh vực tỉnh có lợi thế như năng lượng, du lịch, chế biến khoáng sản. Trong 9 tháng có 155 dự án đăng ký đầu tư, đã có 45 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và chấp thuận chủ trương địa điểm với tổng vốn đăng ký trên 18 nghìn tỷ đồng...

Ảnh: Duy Anh

Có thể nói trong 9 tháng qua tuy một số ngành, lĩnh vực chưa đạt chỉ số tăng trưởng như mong muốn nhưng với những kết quả đã đạt được như đã nêu trên sẽ tạo cơ sở và động lực để các ngành địa phương để thực hiện tốt các chỉ tiêu còn lại trong những tháng cuối năm.