(NTO) Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 101.500 hộ nông, lâm, thuỷ sản, chiếm 73,67% tổng số hộ toàn tỉnh, trong đó khu vực nông thôn có gần 87.970 hộ. Theo đó, số nhân khẩu sản xuất nông nghiệp chiếm 72,65% dân số trong tỉnh. Những năm qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều phong trào thi đua trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn như: “Nông dân sản xuất giỏi”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, “Giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo”…gắn với các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả như “Phát triển trang trại chăn nuôi bò, dê, cừu”, “Sản xuất nông nghiệp trên đất gò đồi hoang hoá”, “Sản xuất nho sạch”…
Các phong trào thi đua nói trên đã góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, giúp nông dân nhanh chóng tiếp cận với những tiến bộ khoa học-kỹ thuật, phương pháp canh tác mới, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá có giá trị kinh tế cao . Nhờ vậy, đời sống của đa số nông hộ được nâng lên, số hộ giàu và khá tăng nhanh, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Tuy nhiên, nhìn chung những kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Nông nghiệp phát triển kém bền vững, sức cạnh tranh thấp. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, thiếu toàn diện; chưa chú trọng đúng mức đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo nghề đạt thấp so với bình quân chung cả nước…
Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức Xây dựng Nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động và phấn đấu thực hiện thắng lợi chương trình, mục tiêu xây dựng nông thôn mới tỉnh ta giai đoạn 2011 - 2015 và đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 24/5/2011 của Tỉnh uỷ (khóa XII), vấn đề đặt ra là cần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc vận động toàn dân đoàn kết hăng hái thi đua theo phương châm dựa vào nội lực của cộng đồng dân cư, đảm bảo nguyên tắc “ dân biết, dân bàn, dân làm và dân được hưởng thụ”…
Để phong trào thi đua “Toàn dân chung sức Xây dựng Nông thôn mới”thực sự trở thành hành động của toàn dân, muốn vậy các cấp uỷ Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh cần có chương trình, kế hoạch cụ thể. Mặt khác, phát động phong trào thi đua phải phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình của ngành, địa phương, cơ quan đơn vị. Có vậy mới tạo ra phong trào thi đua sâu rộng, góp phần xây dựng nông thôn mới tỉnh ta phát triển toàn diện, bền vững gắn với nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn, xây dựng giai cấp nông dân đoàn kết, vững mạnh.
Tuấn Dũng