(NTO) Qua gần 4 năm triển khai thực hiện, mô hình đã giúp cho 132 hộ đồng bào Raglai tại 3 xã: Phước Thắng, Phước Chính (huyện Bác Ái) và Bắc Sơn (huyện Thuận Bắc) thay đổi tập quán canh tác cũ, tiếp cận với kỹ thuật trồng lúa nước góp phần bảo đảm lương thực, ổn định cuộc sống.
Mô hình trình diễn “Thâm canh lúa nước” của nông dân thôn Xóm Bằng (Bắc Sơn, Thuận Bắc).
Tháng 10 năm 2008, Tỉnh đoàn triển khai mô hình đầu tiên trên 7 ha lúa nước của 18 hộ đồng bào Raglai khu tái định cư thôn Chà Đung, xã Phước Thắng . Các hộ lần đầu tiếp cận với kỹ thuật canh tác lúa nước nên việc hướng dẫn bà con được thực hiện theo phương thức “cầm tay chỉ việc”. Tỉnh đoàn đã huy động lực lượng thanh niên tình nguyện các cấp cùng các hộ gia đình đắp được 2.500m bờ ruộng, nạo vét 500m kênh mương, san bằng mặt ruộng, cải tạo đất. Trong quá trình thực hiện, cán bộ khuyến nông cơ sở đã trực tiếp cùng bà con nông dân ra đồng, hướng dẫn cụ thể từ khâu đắp bờ, làm đất đến khâu ngâm ủ giống, cách gieo sạ cho đều tay, cách sử dụng phân bón, thuốc phòng, trừ sâu bệnh. Bên cạnh đó, còn tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ về kỹ thuật canh tác lúa nước và tạo điều kiện cho các hộ nông dân tham quan một số mô hình trình diễn trong tỉnh. Qua 3 tháng xuống giống, bà con nông dân thôn Chà Đung thu hoạch lúa đạt bình quân 42 tạ/ha. Đạt năng suất cao, xem như có “cái ăn”, bà con vô cùng phấn khởi.
Với cách làm như trên, năm 2009, Tỉnh đoàn tiếp tục nhân rộng mô hình “Thâm canh cây lúa nước” tại 2 thôn Ma Ty và Ha Lá Hạ (xã Phước Thắng) với 42 hộ tham gia trên diện tích 12ha. Năm 2010, mô hình được chuyển giao đến 40 hộ đồng bào Raglai xã Phước Chính trên diện tích 10 ha. Năng suất hằng năm đạt trung bình 50 tạ/ha, hiệu quả kinh tế mang lại cho bà con từ 6-12 triệu đồng/ha. Mới đây, 32 hộ nông dân vùng tái định cư thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn cũng đã thu hoạch xong 8 ha lúa vụ hè-thu thuộc mô hình “Thâm canh cây lúa nước” do Tỉnh đoàn triển khai. Hưởng lợi từ hồ chứa nước Sông Trâu, bà con Raglai đã chuyển sang canh tác lúa nước, nay được chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật nên năng suất cây trồng đạt 50tạ/ha (có hộ đạt 60tạ/ha), trước đây chỉ đạt 32tạ/ha. Chị Thị Quê, được tham gia mô hình cho biết: "Gia đình tôi được đầu tư về giống lúa, phân bón, thuốc trừ sâu bệnh, được tập huấn kỹ thuật sản xuất. Cán bộ Đoàn và khuyến nông thường xuyên bám đồng, hễ sâu bệnh xuất hiện là cán bộ giúp đỡ và hướng dẫn dùng thuốc gì, dùng như thế nào rất cụ thể. Vụ này, 2,5 sào ruộng của gia đình tôi thu hoạch được gần 18 tạ lúa”.
Nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự hỗ trợ tích cực từ Ban quản lý Dự án khoa học công nghệ thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và sự nỗ lực của các hộ nông dân, mô hình “Thâm canh cây lúa nước” do Tỉnh đoàn thực hiện bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân Raglai vùng khó khăn. Trao đổi với chúng tôi, anh Châu Thanh Hải, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: “Đây là công trình thanh niên có ý nghĩa lớn về phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đặc biệt có ý nghĩa sâu sắc về việc nâng cao nhận thức, ý thức tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng trong lực lượng đoàn viên thanh niên”. Từ thực tế cho thấy, mô hình “Thâm canh lúa nước” được triển khai thời gian qua đã giúp đồng bào Raglai nắm bắt kỹ thuật trồng lúa nước, biết áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế, góp phần giúp người dân ổn định cuộc sống.
Diễm My