(NTO) - Phóng viên: Được biết, công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh đã và đang gặp không ít khó khăn dẫn đến chậm tiến độ. Xin đồng chí cho biết nguyên nhân do đâu?
- Đồng chí Tống Mỹ Cường: Nguyên nhân chủ yếu do mấy lý do, thứ nhất, công tác phối hợp tuyên truyền giữa các cấp, các ngành để vận động nhân dân chấp hành chủ trương thu hồi đất, hiểu rõ quy định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chưa cụ thể và kịp thời. Thứ hai, do nguồn kinh phí bồi thường cấp chưa kịp thời so với nhu cầu nên ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. Chính sách, pháp luật đất đai về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thường xuyên thay đổi, gây tâm lý trông chờ, so bì trong nhân dân. Thứ ba là chính sách cho phép địa phương được điều chỉnh giá đất bồi thường cho phù hợp với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể và trên thực tế khó thực hiện. Thứ tư, do nhiều dự án chưa có sẵn quỹ đất tái định cư, nên khi giải tỏa không chủ động được việc bố trí tái định cư và nhu cầu đất ở, chuyển đổi nghề nghiệp. Chính sách hỗ trợ ổn định đời sống, chuyển đổi nghề chủ yếu thực hiện việc chi trả bằng tiền, chưa có giải pháp cụ thể để ổn định đời sống, chuyển đổi nghề, nhất là các hộ bị thu hồi hết đất nông nghiệp, nên thường dẫn đến tình trạng người dân chưa đồng ý với mức giá bồi thường, hỗ trợ và cho rằng giá bồi thường chưa đúng với giá thị trường, nên khiếu nại kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Bên cạnh đó, công tác quản lý đất đai, xây dựng tại cấp xã còn buông lỏng, chưa xử lý kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh, dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất, chuyển mục đích, chuyển nhượng, xây dựng trái phép nên khi Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường, dẫn đến việc không chấp hành bàn giao mặt bằng. Một nguyên nhân không kém phần quan trọng nữa đó là một số chủ đầu tư do không đủ năng lực thực hiện dự án, cố tình trì hoãn kéo dài. Có trường hợp chỉ còn vài hộ chưa đền bù giải tỏa được nhưng chủ đầu tư không tích cực phối hợp với cơ quan chức năng để giải quyết, lấy cớ đó để không triển khai dự án. Hồ sơ kỹ thuật quản lý đất đai thiếu cập nhật biến động kịp thời nên việc quy chủ, xác nhận nguồn gốc đất đai chậm và thiếu chính xác, dẫn đến công tác thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường một số dự án còn chậm so với quy định. Các cấp thẩm quyền còn thiếu kiên quyết trong việc xử lý một số trường hợp cố tình dây dưa, chây ỳ không bàn giao mặt bằng.
Thi công xây dựng đoạn đường Mũi Dinh - Cà Ná thuộc tuyến đường ven biển. Ảnh: Văn Miên
- Phóng viên: Để tháo gỡ những khó khăn đó, theo chức năng được giao, thời gian tới tỉnh cần có những giải pháp gì?
- Đồng chí Tống Mỹ Cường: Việc khiếu nại bồi thường, giải phóng mặt bằng hiện nay chủ yếu là khiếu nại về giá đất, tài sản trên đất. Vì vậy, khi xây dựng bảng giá đất hàng năm tỉnh cần chú trọng đến yếu tố khả năng sinh lợi của từng khu vực, vị trí đất, đặc biệt là đối với đất nông nghiệp để xác định mức giá cho phù hợp với giá trị thực tế. Kịp thời điều chỉnh, bổ sung đơn giá vật kiến trúc, cây trồng, vật nuôi cho phù hợp giá trị thực tế tại thời điểm bồi thường. Vận dụng tối đa chế độ, chính sách trong bồi thường, giải phóng mặt bằng để đảm bảo quyền lợi của người bị thu hồi đất là việc cần tính đến. Cùng với đó, tỉnh cần thành lập Ban chỉ đạo công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cấp tỉnh để chỉ đạo quyết liệt và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các dự án, nhất là các dự án lớn, trọng điểm. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cùng với hệ thống chính trị, các chủ dự án và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phải có sự phối hợp đồng bộ trong tuyên truyền, vận động và công khai minh bạch chủ trương, chính sách, chế độ bồi thường cho người dân biết nhằm tạo sự đồng thuận, để ủng hộ dự án. Các cơ quan quản lý đất đai các cấp từ cơ sở đến tỉnh cần cập nhật kịp thời các biến động về đất đai vào bản đồ địa chính, sổ địa chính để phục vụ công tác quản lý đất đai nói chung và công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng như: xác nhận nguồn gốc đất đai, quy chủ, lập hồ sơ bồi thường được thuận lợi hơn. Các đơn vị được giao đo đạc, quy chủ bước đầu làm cơ sở cho việc thu hồi đất phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, công khai, thực hiện đúng quy trình thủ tục, kết quả đo đạc, quy chủ đảm bảo tính chính xác cao. Chính quyền các địa phương cần nâng cao vai trò trách nhiệm trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, kiên quyết đối với các trường hợp lấn chiếm đất, chuyển mục đích xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp, nhất là đối với đất đã quy hoạch. Cùng với đó, tỉnh nên quan tâm xây dựng thêm các khu tái định cư đồng bộ, bảo đảm đủ điều kiện cho người sử dụng tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ. Bố trí đủ, kịp thời kinh phí bồi thường, hỗ trợ để chi trả cho người bị thu hồi đất và giải quyết đơn thư khiếu nại, kiến nghị của người dân về bồi thường, giải phóng mặt bằng một cách kịp thời, nếu phát hiện các quy định chưa hợp lý cần kịp thời kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.
- Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Văn Thanh (thực hiện)
Đồng chí Nguyễn Thị Huệ, Phó Chủ tịch UBND Tp. Phan Rang-Tháp Chàm:
Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đã và đang được tỉnh đầu tư xây dựng nhiều dự án, công trình phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội, tuy nhiên vấn đề khó khăn nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Tình trạng người dân sử dụng đất sai mục đích, xây dựng các công trình trái phép diễn ra khá phổ biến, vì vậy khi xác định để áp giá đền bù theo quy định của Nhà nước gặp nhiều trở ngại. Giá đất đền bù, hỗ trợ để xây dựng các dự án chưa sát với giá thị trường trong điều kiện bình thường; đất nông nghiệp trong địa giới hành chính phường còn thấp, nhất là đối với những hộ có đất nằm trên các trục đường giao thông. Chung quy là do giá đền bù, hỗ trợ nên dẫn đến việc người dân khiếu kiện hoặc chậm bàn giao đất cho công trình. Bên cạnh đó các quy định, chính sách của Nhà nước về đền bù, giải tỏa thường xuyên thay đổi; việc xây dựng khu tái định cư thường chậm hơn so với tiến độ thu hồi đất, việc làm cho người dân ở những nơi bị thu hồi đất chưa nhiều làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác giải phóng mặt bằng, giao đất xây dựng cho các công trình đầu tư phát triển của thành phố.
Đồng chí Ngô Văn Sậy,, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam:
Trong năm 2010-2011, Thuận Nam tập trung chủ yếu cho việc thi công tuyến đường ven biển Phú Thọ-Mũi Dinh dài 22 km. Sau khi lập dự án xác định rõ số hộ có diện tích mặt bằng phải giải tỏa, huyện phối hợp với Ban quản lý dự án tỉnh đo đạc, mời hộ dân trực tiếp có mặt giải quyết tại hiện trường, đồng thời niêm yết công khai thông báo cụ thể, rõ ràng. Qua kiểm kê, huyện đã cho các hộ ứng trước 80% khoản bồi thường, khoản 20% còn lại sẽ trả tiếp khi có quyết định bồi thường chính thức. Trong quá trình đền bù, giải tỏa, cũng có một số hộ khiếu nại, thắc mắc nhưng huyện đã vận động, tuyên truyền và tổ chức đối thoại trực tiếp để giải thích cho người dân hiểu rõ và đồng thuận, trong đó đã tổ chức 2 lần bảo vệ công trình cho các đơn vị thi công. Hiện nay đoạn cuối của tuyến Phú Thọ-Mũi Dinh vẫn còn vướng một số hộ khiếu nại, huyện đang xem xét và tiếp tục kiểm kê bồi thường các hộ ở tuyến Mũi Dinh-Cà Ná theo kinh nghiệm đã làm vừa qua, vừa vận động giải thích, tháo gỡ vướng mắc cho người dân ngay tại địa bàn thôn.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Khu phố 5, phường Thanh Sơn, Tp. Phan Rang- Tháp Chàm:
Toàn bộ tài sản gồm nhà cửa, vườn cây ăn trái trên tổng diện tích đất 2.900 m2 của gia đình tôi đều nằm trong Dự án khu K1. Mức giá đền bù 210.000 đồng/m2 đất của tỉnh như hiện nay là chưa thỏa đáng. Vì với số tiền trên 700 triệu đồng đền bù, gia đình tôi khó có thể tìm mua được diện tích đất và vị trí ven đô tốt như vị trí hiện nay. Còn nếu mua đất, xây nhà trong thành thị chắc chắn số tiền này sẽ không đủ để chúng tôi có điều kiện làm ăn. Mặt khác, từ trước đến nay, cả gia đình tôi đều dựa vào sản xuất nông nghiệp, vợ chồng tôi cũng đã lớn tuổi, khó có thể chuyển đổi nghề sinh sống, cuộc sống sau khi di dời sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy chúng tôi mong tỉnh xem xét, điều chỉnh lại giá đền bù để sau khi di dời, những người dân như chúng tôi ít nhất có cuộc sống tốt bằng nơi ở cũ.
Ông Phạm Lý, Khu phố Ninh Chử 1, Thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải:
Người dân địa phương hết sức ủng hộ chủ trương thu hồi đất để xây dựng cầu Ninh Chử của tỉnh. Gia đình tôi đang xây nhà tại khu tái định cư để nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Nguyện vọng của người dân khu tái định cư là chính quyền các cấp quan tâm đầu tư hệ thống điện chiếu sáng, nước sinh hoạt.
Ông Nguyễn Văn Hải, Khu phố Ninh Chử 1, Thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải:
Gia đình tôi chưa nhận tiền đền bù và chưa di dời vì cho rằng chính sách áp giá bồi thường đất cho người dân chưa thật thỏa đáng. Nếu gia đình tôi di dời để trao trả mặt bằng cho đơn vị thi công thì với khoảng tiền bồi thường (bao gồm các khoản hỗ trợ khác) thì chúng tôi khó có thể vừa xây nhà ở, vừa đầu tư cơ sở kinh doanh như ban đầu. Vì vậy, gia đình tôi mong muốn các cấp lãnh đạo xem xét để tính toán nâng mức bồi thường một cách hợp lý, sớm giúp người dân chúng tôi ổn định cuộc sống khi chuyển đến nơi ở mới.