Thực trạng vi phạm pháp luật ở tuổi vị thành niên

Tình trạng vi phạm pháp luật ở lứa tuổi vị thành niên có chiều hướng ngày càng gia tăng.

(NTO) “Bị cáo biết lỗi rồi, vì bồng bột, trong một phút thiếu suy nghĩ nên bị cáo đã vô tình giết người, kính mong quý tòa xem xét, giảm án để bị cáo có thể sớm làm lại cuộc đời”, lời nói sau cùng của hai bị cáo Mai Văn Tàu và Mai Văn Tám (cùng 16 tuổi, ngụ tại phường Đông Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) trước phiên toà. Chỉ vì thấy trai lạ đến làm quen với con gái ở làng mình, hai người xúm lại đánh, rồi Tám đã dùng dao đâm vào ngực làm Nguyễn Văn Hòa (14 tuổi, ở huyện Ninh Hải) tử vong. Tổng số án phạt mà Tàu và Tám phải lãnh là 19 năm tù giam.

Chỉ vì một chiếc xe đạp và 17.000 đồng, Lê Phước Thọ (15 tuổi) trú tại phường Tấn Tài (Phan Rang-Tháp Chàm) và các đồng phạm đã phải trả giá bằng hơn 6 năm cuộc đời son trẻ của mình. Trước vành móng ngựa, hai khuôn mặt non nớt ngây thơ trả lời vì thiếu tiền tiêu xài nên nảy ra ý định cướp của….

Có rất nhiều lý do để các bị cáo vị thành niên giải thích cho hành vi phạm tội của mình, như mâu thuẫn cá nhân, không thích nhóm thanh niên lạ vào làng, thiếu tiền chơi game, thiếu tiền tiêu xài,… hay những lý do “cười ra nước mắt”: nó nhìn mình, không thích nó,…

Theo thống kê trong 8 tháng đầu năm 2011, toàn tỉnh đã xảy ra 241 vụ vi phạm pháp luật, trong đó có 43 vụ vi phạm là trẻ vị thành niên, với 53 trường hợp (giết người 5 vụ, cướp tài sản 4 vụ, trộm cắp 27 vụ, cố ý gây thương tích 6 vụ); Tp. Phan Rang – Tháp Chàm là một trong những điểm “nóng” của loại tội phạm này với 18 vụ.

Gần đây có nhiều đối tượng là vị thành niên kết nhau lại thành băng nhóm, gây ra các vụ cướp của, cưỡng đoạt tài sản, đòi nợ thuê,… Khi bị phát hiện, chúng sẵn sàng dùng hung khí (kiếm, dao, mã tấu) để chống trả lại lực lượng chức năng. Hơn 30 năm tham gia xét xử các vụ án hình sự, ông Trương Thành Quang, Chánh án hình sự, Tòa án nhân dân tỉnh, lắc đầu: “Các vụ án hình sự bị cáo là trẻ vị thành niên có xu hướng tăng. Phần lớn các em còn non nớt về nhận thức, dễ bị tác động tiêu cực của hoàn cảnh sống. Thế nên khi bị xúi dục, lôi kéo các em dễ dàng làm theo”.

Nguyên nhân là do đâu? Câu trả lời dễ dàng nhận được nhưng truy cho tới căn cơ để giải quyết là cả một vấn đề. Mặt trái của cơ chế thị trường thời kỳ hội nhập phần nào làm cho đời sống tinh thần của một bộ phận nhân dân, nhất là trẻ vị thành niên trong xã hội bị xuống cấp. Cuộc sống khó khăn, gia đình không đáp ứng được sự đua đòi của con trẻ. Bên cạnh đó chúng ta không thể không nhắc đến là sự ít quan tâm giáo dục con em mình của các bậc phụ huynh; nhiều trường hợp còn dung túng, thờ ơ cho các em làm những điều sai trái.

Để có thể hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật ở đối tượng tuổi vị thành niên, theo ông Trương Thành Quang: “Cần đẩy mạnh hơn trách nhiệm gia đình, trường học, xã hội trong giáo dục trẻ em, nhất là ý thức tôn trọng pháp luật. Đồng thời, cũng nên tạo điều kiện học tập, vui chơi giải trí lành mạnh cho các em, rèn luyện kỹ năng sống, lao động trong xã hội; kịp thời phát hiện, xử lý khi phạm tội, quan trọng là phải mang tính răn đe và giáo dục”.

Trẻ vị thành niên là lứa tuổi đang có sự thay đổi mạnh mẽ về tâm, sinh lý, muốn khẳng định bản thân, từ đó dễ sa vào con đường phạm tội. Vấn nạn này đang là thực trạng chung của toàn xã hội. Ông Đinh Văn Hiếu, Phó Chánh văn phòng Công an tỉnh, cho biết: Gần đây ở tỉnh ta đã xuất hiện các tội phạm ở lứa tuổi vị thành niên, đây là tình trạng đáng báo động, trách nhiệm không riêng của ngành Công an mà toàn xã hội trong công tác quản lý, giáo dục trẻ em. Quan trọng hơn, các bậc cha mẹ cần vào cuộc một cách tích cực hơn”.