Ngày 31/8/2011, tại tỉnh Udon Thani (Thái Lan), Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Khonkaen, Tổng hội Việt kiều và Ban Quản lý Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Uđon Thani phối hợp với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – đơn vị tài trợ chính, đã tổ chức Lễ khánh thành Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Những sự kiện diễn ra cùng với Lễ cắt băng khánh thành Khu tưởng niệm đã gây ấn tượng sâu sắc, thể hiện sinh động tình hữu nghị và tình cảm thân thiện của nhân dân hai nước và hai dân tộc Việt Nam – Thái Lan.
Tọa lạc trên diện tích 6.500 mét vuông tại làng Nọng Ổn, xã Xiêngphin, huyện Mương, tỉnh Udon Thani, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh do bà con Việt kiều và chính quyền tỉnh Uđon Thani xây dựng đã được ghi đậm trên bản đồ du lịch của đất nước Thái Lan. Không chỉ đồng bào Việt kiều, những người con nước Việt, mà nhân dân Thái Lan cũng rất tự hào có một khu di tích lịch sử, văn hoá gắn với tên tuổi của Hồ Chí Minh vĩ đại trên quê hương của họ.
Cắt băng khánh thành Khu tưởng niệm
Những ngày tháng hoạt động tại đây (từ tháng 7/1928 đến tháng 11/1929), Nguyễn Ái Quốc với nhiều tên gọi khác nhau như: ông Thọ, Nam Sơn, ông Chín, được nhân dân Thái Lan gọi bằng cái tên thân thương, gần gũi là Thầu Chín (hay là ông già Chín) đã ghi lại dấu ấn một quãng thời gian hoạt động gian khổ trong hành trình vạn dặm đi tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh. Những hoạt động và đời sống sinh hoạt giản dị của Người đã cổ vũ và khơi dậy tinh thần yêu nước trong kiều bào và gây dựng tình cảm thân thiết của nhân dân Thái Lan đối với Bác và cách mạng Việt Nam.
Với tình cảm sâu sắc đó, vào năm 2002, sau khi trưng cầu ý dân, chính quyền tỉnh Udon Thani và Hội Việt kiều tại tỉnh Udon Thani đã thống nhất ý tưởng xây dựng nơi đây thành Trung tâm giáo dục, nghiên cứu, học tập và du lịch mang tính lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau của nhân dân hai nước và góp phần vun đắp mối quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam – Thái Lan đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng và xây dựng.
Điều đặc biệt của Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đây, đó là công trình này do chính quyền địa phương tỉnh Udon Thani quyết định thành lập và trực tiếp quản lý, xây dựng. Có lẽ vì vậy mà công trình nhanh chóng tạo được sự đồng thuận của các cơ quan địa phương, thu hút sự ủng hộ mạnh mẽ của các nhà khoa học và đông đảo nhân dân tỉnh Udon Thani và các tỉnh Đông - Bắc Thái. Sự thu hút ấy cũng đã nhanh chóng lan tỏa đến các vùng khác của Thái Lan và nhiều tổ chức, cá nhân của Việt Nam. Việc xây dựng Khu tưởng niệm không chỉ đáp ứng mong mỏi của bà con Việt kiều, mà còn trở thành nhu cầu tinh thần của các cộng đồng người Thái Lan, xuất phát từ tình cảm, sự ngưỡng mộ của họ đối với Bác Hồ kính yêu của dân tộc Việt Nam thân thiết.
Nhà làm việc của Bác tại làng Nọng Ổn năm 1928, phục dựng theo lời kể
của các nhân chứng lịch sử
Trong Hội thảo tại Udon Thani về thời kỳ hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thái Lan (1928-1928) diễn ra trước thềm Lễ khánh thành Khu tưởng niệm, ông Trịnh Văn Thái, người Thái gốc Việt đã hơn một lần nói rằng: “Việt kiều Thái Lan luôn tâm niệm Bác Hồ như một vị thánh sống” và ông kể lại: “Từ năm 1947, khi Bác vẫn còn sống thì đa số Việt kiều ở Thái Lan, trong nhà đều lập bàn thờ Tổ quốc. Trên bàn thờ có Quốc kỳ nền đỏ sao vàng và ảnh bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở đây, người ta thờ kính Bác Hồ như thể một vị thánh sống”. Việc xây dựng và phát triển Khu tưởng niệm Hồ Chí Minh có cả ý nghĩa sâu xa đó. Còn Giáo sư Sorat Pitchuancom, Trợ lý Hiệu trưởng đại học Rachaphắt Uđon Thani, Chủ tịch Ban Quản lý Khu tưởng niệm, trong bài tham luận tại Hội thảo, ông luôn nhắc tới niềm tự hào về trọng trách mà ông đã và đang đảm nhận trong suốt 10 năm qua, đó là “được làm việc cho Bác Hồ”. Ông nói: “Trong quá trình làm việc, nếu gặp các trở ngại, tôi luôn tự nhủ với bản thân và nói với các thành viên khác là Bác Hồ đã yên vị rồi, chúng ta tự hào lấy tên Người để làm Dự án Khu tưởng niệm, nếu không làm thành công sẽ gây tổn thương và làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Người, chúng ta không thể gây ra điều đó cho Người được, chúng ta không có đường lùi nữa, cần phải làm cho thành công và phải xứng danh với vị thế của của một vị Anh hùng giải phóng dân tộc, một Danh nhân văn hóa thế giới”.
Trong buổi gặp mặt đoàn Việt kiều Thái – Lào về thăm quê Bác (cũng trong khuôn khổ Lễ khánh thành Khu tưởng niệm) được tổ chức tại Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, bà con Việt kiều đã cùng với các đại biểu trong nước nghẹn ngào trong niềm xúc động, bày tỏ niềm tự hào, phấn khởi khi được trở về quê hương, thăm khu Di tích Kim Liên, nơi sinh ra và lớn lên trong thời niên thiếu của Bác kính yêu và càng thấy rõ trách nhiệm phải gắng sức làm cho Khu tưởng niệm của Người trên đất Thái Lan ngày càng hoàn thiện hơn, xứng đáng với tầm vóc vĩ đại của Người. Bà Vũ Thị Tin, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Việt kiều tỉnh Udon Thani xúc động nói: “Chúng tôi rất vinh dự và hãnh diện là người con Việt Nam, dù ở xa Tổ quốc nhưng được ở ngay trên địa danh có những dấu ấn lịch sử về Bác Hồ kính yêu, chúng tôi tự hào và càng thấy trọng trách của mình phải bảo tồn, gìn giữ và phát triển Khu tưởng niệm ngang tầm với hình ảnh và những giá trị văn hoá của Người”. Đặc biệt, trong đoàn đại biểu về thăm quê Bác, có một vị khách mời - ông Vimay Phinxalì, Chủ tịch UBND xã Xiêngphin - nơi trực tiếp quản lý Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu: “Hơn ai hết, chúng tôi rất tự hào là địa phương có Khu di tích Bác Hồ. Chúng tôi luôn tâm niệm mối tình hữu nghị đoàn kết của hai nước được xây đắp từ Chủ tịch Hồ Chí Minh và sẽ luôn luôn được xây đắp từ những ảnh hưởng của Người. Vì thế, chúng tôi cần phải gìn giữ, bảo quản Khu di tích ngày càng tốt đẹp hơn”.
Nhà đa năng trong Khu tưởng niệm
Do ý nghĩa văn hóa và giá trị lịch sử sâu sắc, nên cộng đồng Việt kiều và nhân dân Thái Lan đã tích cực tham gia ủng hộ công sức, tinh thần, trí tuệ và vật chất cho công trình. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, cá nhân ở Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam đang làm ăn ở Thái Lan cũng tích cực ủng hộ kinh phí để hoàn thiện công trình. Tiêu biểu là Ngân hàng Cổ phần Thương mại Sài Gòn, Công ty Hoàng Anh Gia Lai, đặc biệt Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, gia đình Liệt sĩ Trần Đình Châu... đã dành những khoản tiền lớn và hiện vật có giá trị cho công trình. Thật xúc động, chỉ sau không đầy một tháng phát động theo sáng kiến của ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, hàng ngàn cán bộ, công chức của Ngân hàng đã đóng góp nhiều tỷ đồng, sưu tầm trên 100 bức ảnh tư liệu, hơn 400 cuốn sách về cuộc đời hoạt động của Bác và nhiều tư liệu, hiện vật, kỷ vật có giá trị lịch sử, văn hoá, nhiều sáng tác văn học, nghệ thuật về Hồ Chí Minh tặng Khu tưởng niệm. Gia đình Liệt sĩ Trần Đình Châu khi nghe tin có cuộc phát động đã xin được phối hợp với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cung tiến ban thờ, tượng Bác và các hạng mục khác để an vị ban thờ Bác trong nhà đa năng đúng dịp khánh thành Khu tưởng niệm. Tất cả đều từ tấm lòng thành kính dâng lên Bác, mong cho tình đoàn kết hữu nghị của hai dân tộc và nhân dân hai nước Việt Nam – Thái Lan ngày càng phát triển và nở hoa kết trái.
Trong buổi Lễ khánh thành, hàng ngàn bà con Việt kiều và nhân dân Thái Lan từ nhiều vùng trong nước đã nô nức đến Khu tưởng niệm như được trở về với quê hương mình, trở về với Bác kính yêu. Nhiều nhóm hội Việt kiều đến trước nhiều ngày tổ chức các hoạt động vui chơi văn hoá và để cùng nhau được lo công việc sửa soạn cho ngày Lễ khánh thành. Đông đảo bà con Thái Lan xã Xiêngphin và các xã lân cận cũng đã đến giúp đỡ, chứng kiến Lễ cắt băng khánh thành và dâng nén tâm nhang lên Người. Không khí vừa trang nghiêm, trọng thể, vừa vui tươi đằm thắm đã tạo nên một ngày hội lớn trong tình đoàn kết mặn nồng của Việt kiều và nhân dân Thái Lan. Phát biểu tại Lễ khánh thành, trong niềm hân hoan, xúc động, ông Khốmăn Ệkachai, Tỉnh trưởng tỉnh Uđon Thani đã nhấn mạnh: “Ngoài ý nghĩa văn hóa và lịch sử, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Udon Thani còn là biểu tượng sinh động của tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Thái Lan, là tấm lòng thành kính của người dân Thái Lan, trong đó có đồng bào Việt kiều đối với Bác Hồ kính yêu và đối với dân tộc Việt Nam thân thiết. Những giá trị lịch sử, văn hoá, những bài học quý báu về ngoại giao mà Hồ Chí Minh tạo nên sẽ mãi mãi ngời sáng trên đất nước Thái Lan”.
Hơn 600 đại biểu Việt kiều dự Hội thảo về thời kỳ hoạt động
của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thái Lan
Chia tay Udon Thani, chúng tôi tràn ngập niềm vui và mang theo những ấn tượng tốt đẹp về những việc làm son sắt, tình nghĩa của người dân Thái Lan, như một nghĩa cử cao đẹp dành cho Bác Hồ kính yêu và góp phần vun đắp cho tình hữu nghị của hai dân tộc Việt Nam – Thái Lan ngày càng thêm tươi đẹp.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam