Phó Giáo sư Tống Trung Tín cho biết hai thành tựu đáng lưu ý nhất của khảo cổ học Việt Nam trong thời gian qua là các hoạt động của ngành đã góp phần hữu hiệu vào công cuộc bảo vệ bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa dân tộc. Cụ thể Di sản Thành Nhà Hồ đã trở thành Di sản Văn hóa Thế giới thứ 5 của Việt Nam tiếp theo Di sản Huế, Mỹ Sơn, Hội An và Hoàng Thành Thăng Long.
Hình ảnh về những phát hiện khảo cổ học - Ảnh Chinhphu.vn
Thành tựu nổi bật thứ hai là công tác quy hoạch khảo cổ học. Trước tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa hiện nay, nếu không khẩn trương làm tốt công tác quy hoạch khảo cổ thì các di tích khảo cổ học sẽ biến mất rất nhanh, khi đó sẽ không có gì để nghiên cứu và đánh giá trị của các di tích.
Những di tích được quy hoạch tốt, bảo vệ tốt sẽ được giữ gìn cho muôn đời con cháu và được tôn vinh ở cấp độ quốc gia cũng như quốc tế.
PGS Tống Trung Tín cho biết ngành khảo cổ học năm qua đã liên tiếp nhận được các tín hiệu vui. Hà Nội đang quy hoạch quy mô lớn di tích thành Cổ Loa. Tỉnh Thanh Hóa đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch Khu di tích Đông Sơn – Hàm Rồng.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc (Hải Dương), khu Đô thị cổ Hưng Yên (Phố Hiến). Đặc biệt, tỉnh đầu tiên đã và đang tiến hành triệt để làm công tác quy hoạch khảo cổ học là tỉnh Khánh Hòa.
Viện Khảo cổ cũng đã thông báo "Những phát hiện mới về khảo sát học lần thứ 46" với bốn vấn đề về thời đại đá, kim khí, khảo cổ học lịch sử và Chămpa-Óc Eo.
Theo Tiến sỹ Bùi Văn Liêm, Thư ký Hội đồng Khoa học Viện Khảo cổ học, về khảo cổ học thời đại đá, có 10 thông báo về các cuộc điều tra khảo sát và phát hiện các di tích mới. Trong đó, Viện Khảo cổ học hợp tác với Viện Hàn Lâm khoa học Nga đã phát hiện mới di tích Hang Ong, xã Yên Thủy, huyện Con Cuông, Nghệ An.
Cùng với các Bảo tàng địa phương, Viện Khảo cổ học đã tiến hành điều tra, khảo sát và đã phát hiện mới một loạt các di tích khảo cổ: Hang Đán Mèo, Hang Ốc, Hang Chùa, Hang Rắn I,II, hang Phượng Hoàng (Thái Nguyên); di tích thềm sông thôn Bó Mạ (Cao Bằng); Hang Me Vằng, hang Thẩm Hấu, hang Thẩm Lẩu (Tuyên Quang); Hang Thẩm Hấu, hang Cốc Nghìu, hang Thẩm Án, hang Thẩm Be (Bắc Kạn)…
Về khảo cổ học lịch sử, Viện Khảo cổ học phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ khai quật lần thứ ba di tích Thành Nhà Hồ. Kết quả lần này đã làm xuất lộ kiến trúc thời Hồ, nền kiến trúc bằng đất và hệ thống móng trụ thời Lê và các lớp kiến trục thuộc nhiều giai đoạn nằm chồng xếp lên nhau có niên đại kéo dài từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 19 đã cho thấy quá trình lịch sử lâu dài của khu vực này.
Nguồn www.chinhphu.vn