Bộ Công an nghiêm cấm cán bộ, chiến sĩ sách nhiễu người tham gia giao thông đường thủy

Bộ Công an nghiêm cấm việc cán bộ, chiến sĩ sách nhiễu, gây phiền hà cho người tham gia giao thông đường thủy hoặc bao che, dung túng đối với các hành vi vi phạm.

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong Thông tư 62/2011/TT-BCA quy định về hoạt động tuần tra, kiểm soát của cảnh sát đường thủy vừa được Bộ Công an ban hành.

Cảnh sát đường thủy kiểm tra, xử lý các phương tiện vi phạm
Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Thông tư này quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung, địa bàn và tổ chức tuần tra, kiểm soát của cảnh sát đường thủy.

Theo đó, mọi hành vi vi phạm phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và bảo đảm giao thông thông suốt, trật tự, an toàn cho người, phương tiện, tài sản, bảo vệ môi trường.

Thông tư yêu cầu, cán bộ, chiến sĩ phải có thái độ kính trọng, lễ phép, đúng mực khi tiếp xúc với nhân dân; phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và trật tự an toàn xã hội trên đường thủy theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền quy định của pháp luật.

Về phạm vi tuần tra, kiểm soát, Thông tư quy định lực lượng cảnh sát đường thủy tổ chức tuần tra, kiểm soát trên phạm vi các sông, kênh, rạch; luồng trên hồ, đầm, phá, vụng, vịnh, ven bờ biển, đường ra đảo, nối các đảo thuộc nội thủy của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam có hoạt động của phương tiện thủy, kể cả luồng hàng hải có hoạt động của phương tiện thủy.

Về địa bàn tuần tra, kiểm soát, đáng chú ý, Thông tư quy định, trên địa bàn giáp ranh giữa các địa phương là dọc tuyến đường thủy, tại mỗi đoạn của tuyến trong phạm vi 15 km chỉ được bố trí một đơn vị của một địa phương tuần tra, kiểm soát.

Nếu tuyến có độ dài lớn, có thể bố trí nhiều đơn vị tuần tra, kiểm soát nhưng phải bảo đảm phạm vi tuần tra, kiểm soát đã nêu trên. Đối với tuyến đường thủy giáp ranh giữa các tỉnh thì Giám đốc Công an cấp tỉnh nơi có địa bàn giáp ranh thống nhất việc bố trí các đơn vị tuần tra, kiểm soát trên tuyến đó. Trường hợp không thống nhất được thì Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội quyết định. Đối với tuyến đường thủy là địa bàn giáp ranh giữa các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì việc tuần tra, kiểm soát do Giám đốc Công an cấp tỉnh quyết định.

Tổ chức tuần tra, kiểm soát ở trung ương là Thủy đoàn Cảnh sát đường thủy thuộc Cục Cảnh sát đường thủy; tổ chức tuần tra, kiểm soát ở cấp tỉnh là Thủy đội Cảnh sát đường thủy, Trạm Cảnh sát đường thủy thuộc Phòng Cảnh sát đường thủy hoặc Phòng Cảnh sát giao thông; tổ chức tuần tra, kiểm soát ở cấp huyện là Đội, Tổ Cảnh sát đường thủy thuộc Công an cấp huyện.

Nguồn www.chinhphu.vn