8 tác dụng của âm nhạc với sức khỏe

Có một nhà soạn kịch đã từng nói rằng: “Âm nhạc là thực phẩm của tình yêu, hãy bật nhạc lên”. Âm nhạc được xem là ngôn ngữ của tinh thần và nó song hành từ khi con người xuất hiện trên trái đất. Còn khoa học ngày nay, đã khám phá ra nhiều tác dụng của âm nhạc như tốt cho trí nhớ, ngủ ngon, giảm căng thẳng…

1- Giảm các cơn đau mãn tính

Một nghiên cứu của Bệnh viện Tổng hợp Alzburg, Australia cho biết, thường xuyên nghe nhạc có thể giúp giảm được cơn đau lưng mãn tính. Họ đã thử nghiệm ở 65 bệnh nhân đau lưng sau khi đã được phẫu thuật, có độ tuổi từ 21- 68 và được chia làm hai nhóm. Một nhóm nhận bệnh nhân được điều trị theo phương pháp truyền thống. Nhóm còn lại vừa được điều trị vừa được nghe nhạc mỗi ngày 25 phút và kéo dài trong thời gian 3 tuần.

Ảnh: Internet

Kết quả cho thấy, nhóm được nghe nhạc ít đau hơn so với nhóm người không nghe nhạc. Điều này được lý giải như sau: Khi nhịp nhạc được bật, huyết áp và tim đập chậm lại, giúp chúng ta hít thở chậm chạp hơn, từ đó làm giảm căng cơ ở cổ, vai, dạ dày và lưng.

Vậy loại nhạc nào tốt nhất cho giảm đau? Theo các chuyên gia, nhạc cổ điển của Mozart, Beethoven… đều có thể làm giảm cơn đau. Các loại nhạc nhẹ, nhạc theo điệu Slow chầm chậm cũng có tác dụng tốt.

2- Khôi phục mất trí nhớ

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Sogn Og Fjordane, Na Uy đã so sánh tác động của nghe nhạc trực tiếp, nghe đĩa, hoặc không nghe ở 3 nhóm bệnh nhân mắc chứng hay quên. Kết quả cho thấy, các bệnh nhân được nghe nhạc biểu diễn trực tiếp hoặc nghe đĩa, thì có tới 2/3 số bệnh nhân đã giảm được đáng kể các triệu chứng lo âu, mất tập trung và có trí nhớ tốt hơn so với nhóm người không nghe nhạc.

Họ lý giải rằng, đối với những người mắc chứng mất trí nhớ, ngôn ngữ nói trở nên vô nghĩa nhưng âm nhạc giúp họ nhớ được các giai điệu hoặc tiếng hát và liên hệ với những quá khứ của họ. Điều này có được bởi vì một phần của não xử lý âm nhạc nằm gần vị trí với trí nhớ đã giúp họ nhanh nhớ lại những dữ liệu trong đầu. Âm nhạc tốt nhất cho người mắc bệnh mất trí nhớ là thể loại mà họ thích.

3- Giúp ngủ ngon

Chỉ cần nghe nhạc 45 phút trước khi đi ngủ, bạn sẽ có một đêm thật tuyệt vời. Trên đây là kết luận của các nhà khoa học Đài Loan. Những người tham gia nghiên cứu đã được cho nghe các thể loại nhạc như Jazz, Folk hoặc giao hưởng với nhịp đập của nhạc trung bình từ 60-80 nhịp/phút và một nhóm thì không nghe nhạc. Kết quả cho thấy, 35% số người của nhóm nghe nhạc cải thiện được giấc ngủ (bao gồm cả ngủ sâu hơn và lâu hơn). Theo giáo sư Hui-Ling Lai, Trường Đại học Đài Loan thì nghe nhạc đã làm thay đổi thể chất nên hỗ trợ giấc ngủ, bao gồm cả nhịp tim và hơi thở.

4- Tạo động lực làm việc tốt hơn

Bác sĩ Robert Herdegen ở Đại học Hampden-Sydney, thuộc tiểu bang Virginia, Mỹ, đã nghiên cứu 12 vận đông viên không chuyên đua xe đạp, kết quả cho thấy những ngày mà họ được nghe nhạc thì có thể đạp được xa hơn 11% so với những ngày không nghe. Các nghiên cứu khác cho thấy, nghe nhạc giúp giải phóng endorphins, loại hooc môn tạo cảm giác hạnh phúc tự nhiên và giúp thúc đẩy động lực tập luyện cũng như làm việc lâu hơn và loại bỏ những cảm giác khó chịu trong lúc làm việc. Loại nhạc tốt nhất là thể loại nhạc có nhịp độ nhanh như hiphop và nhạc nhảy.

5- Tốt cho huyết áp, tim

Theo một công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Italia thì nghe nhạc có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ, huyết áp và đau tim. Họ đã theo dõi những bệnh nhân huyết áp nghe nhạc của người Xen-tích, nhạc Ấn Độ hoặc nhạc cổ điển khoảng 30 phút mỗi ngày, kết quả là huyết áp đã giảm đáng kể. Việc nghe nhạc đã làm dịu các tế bào và các mô ở phổi, từ đó mà làm giảm nhịp tim và sự hít thở ở các bệnh nhân. Do vậy, những người đau tim, huyết áp nên nghe nhạc để sống lâu hơn.

6- Tạo suy nghĩ tích cực

Khi bạn bị suy nhược do đau đầu, yếu ớt, mất tập trung, rối loạn tâm tư, nghe nhạc sẽ giúp bạn giải thoát được tình trạng xấu này. Vì thường xuyên nghe nhạc sẽ giúp bạn nhớ lại những tháng ngày và giây phút hạnh phúc. Nó cũng giúp tăng sự tự tin và cá tính của một con người.

7- Tốt cho thị lực

Các nhà nghiên cứu Brazil đã thực hiện một nghiên cứu ở các sinh viên y khoa bằng cách cho họ nghe nhạc Mozart khoảng 10 phút trước khi thực hiện cuộc kiểm tra thị lực. Kết quả cho thấy, những người không được nghe nhạc đã thể hiện kém hơn so với những người được nghe bản sonate soạn cho piano. Điều này có được là do âm nhạc của Mozart đã kích thích não hoạt động tốt hơn, giúp quá trình xử lý thông tin nhanh và chính xác ở vùng não chức năng. Các nghiên cứu khác cho thấy, nhạc của thiên tài Mozart không chỉ giúp cho não phát triển mà còn giúp kĩ năng làm toán tốt hơn.

8- Giảm căng thẳng

Có nhiều cách để bạn giảm sự căng thẳng trong cuộc sống mà cách đơn giản là nghe nhạc. Nghe nhạc tác động đến cả tâm hồn và thể xác, đặc biệt là những bản nhạc điệu Slow, nhạc cổ điển. Nó làm giảm hooc môn gây căng thẳng. Ngoài ra, khi ăn uống, nghe nhạc nhẹ cũng giúp bạn thư thái, hạ thấp nồng độ cortisol và giúp cho tiêu hóa thực phẩm tốt hơn. Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng, nghe nhạc cổ điển có thể giúp bạn ăn ít hơn, tiêu hóa tốt hơn và có cảm giác ngon miệng hơn.

Theo Nông nghiệp Việt Nam