1. Bệnh cao huyết áp
Cao huyết áp là căn bệnh phát triển tỷ lệ thuận với tuổi tác, thủ phạm làm gia tăng bệnh tim mạch. Nếu số đo huyết áp nhỏ hơn 120/80 mmHg thì 2 năm nên đi khám một lần. Nếu từ 120-139mmHg và từ 80-89 mmHg cho cả hai chiều cực đại và cực tiểu thì mỗi năm nên đi khám một lần. Từ trên 140/90 mmHg thì nên khám thường xuyên hơn hoặc theo khuyến cáo cụ thể của bác sĩ.
Sở dĩ bệnh cao huyết áp được xếp hàng đầu ở nhóm đàn ông "đầu 50" là vì đây là giai đoạn cơ thể bắt đầu có nhiều thay đổi và bắt đầu suy giảm sức khỏe, thủ phạm làm tăng cơn đau tim, đột quỵ và nhiều căn bệnh nan y khác.
Ảnh: Internet
2. Mỡ máu (Cholesterol)
Xét nghiệm cholesterol nhằm biết hai chỉ số về cholesterol và triglycerides có trong máu. Nếu vượt ngưỡng cho phép có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ hay còn gọi là bệnh "giết người thầm lặng" bởi không có dấu hiệu nhận biết bên ngoài. Những người có tiền sử mắc bệnh tim mạch, mỡ máu cao thì nên đi khám và làm xét nghiệm.
3. Ung thư ruột kết và trực tràng
Khi bước vào tuổi 50, bác sĩ thường khuyến cáo đàn ông nên đi kiểm tra sức khoẻ để biết rủi ro mắc bệnh ung thư ruột kết và trực tràng, đặc biệt là nhóm người có tiền sử gia đình mắc bệnh hoặc mắc bệnh polyp đại tràng và bệnh viêm ruột. Các phép xét nghiệm nên làm:
- Soi ruột già: Bác sĩ sẽ dùng một dụng cụ soi ruột kết (colonoscope) đưa vào trực tràng để biết sức khoẻ toàn bộ chiều dài của đại tràng.
- Nội soi đại tràng ảo: Sử dụng máy chụp cắt lớp vi tính (CT) để chụp cắt lớp các cơ quan bụng, kể cả đại tràng.
- Xét nghiệm máu ẩn trong phân (FOBT). Trong kỹ thuật này người ta lấy phân đưa đi xét nghiệm trong phòng thí nghiệm để phát hiện máu ẩn trong phân.
- Kỹ thuật soi đại tràng linh hoạt (Sigmoidoscopy), sử dụng thiết bị soi đưa vào đại tràng giúp bác sĩ biết được tình trạng cụ thể của phần dưới đại tràng.
- Xét nghiệm ADN phân: Đây là phép xét nghiệm để phát hiện các đột biến ADN, kể cả sự có mặt của khối u tiền ung thư hoặc ung thư ruột kết.
- Sử dụng thuốc xổ Bari: Dùng hợp chất có chứa bari lỏng để xổ ruột kết, sau đó chụp X-quang đại tràng phát hiện nhanh những nguy cơ gây ung thư từ giai đoạn đầu.
4. Răng lợi
Khi tuổi cao, nên thường xuyên đi thăm khám bác sĩ nha khoa để kiểm tra răng lợi, tần suất 6 tháng/lần. Qua khám bệnh, bác sĩ có thể làm sạch răng sau đó đánh giá mức độ sâu răng và các chứng bệnh có liên quan khác. Cùng với việc khám răng, bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra sức khoẻ mặt, cổ và những bất thường khác có trong miệng để đưa ra những tư vấn phòng ngừa và chữa trị kịp thời. Đây là công việc quan trọng, bởi răng lợi còn liên quan mật thiết đến sức khoẻ chung của cơ thể, nhất là dấu hiệu mắc bệnh tim mạch và ung thư miệng, vòm họng và đường hô hấp.
5. Đái tháo đường
Theo khuyến cáo của giới chuyên môn, khi bước vào tuổi 45 trở ra đàn ông nên đi kiểm tra đường huyết để biết được nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hay đái tháo đường. Phương pháp kiểm tra nhanh đường huyết (glucose) thường được làm trước khi ăn. Người mắc bệnh tiểu đường có đường máu lúc đói ≥ 126mg/dl (≥ 7 mmol/l), thử ít nhất 2 lần liên tiếp. Đường máu sau ăn hoặc bất kỳ ≥ 200mg/dl (≥ 11,1 mmol/l).
Nếu mức đường máu lúc đói từ 5,6 đến 6,9 mmol/l được gọi là rối loạn dung nạp đường khi đói và tuy chưa được xếp vào nhóm bệnh nhân tiểu đường nhưng nhóm người này cũng không được coi là bình thường vì theo thời gian, rất nhiều người rối loạn dung nạp đường khi đói sẽ tiến triển thành đái tháo đường thực sự nếu không có lối sống tốt.
6. Mắt
Để đảm bảo sức khoẻ mắt, giới chuyên môn khuyên đàn ông trên 50 tuổi nên đi khám mắt thường xuyên. Bác sĩ sẽ kiểm tra chuyển động của mắt, khả năng thị lực, áp lực mắt, khả năng nhận biết màu sắc và độ nét thị lực. Việc kiểm tra thị lực thường xuyên giúp con người biết được tình trạng sức khoẻ của mắt, đặc biệt phát hiện nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp, thoái hoá điểm vàng, đục thuỷ tinh thể và các chứng bệnh nan y khác về mắt.
7. Ung thư tuyến tiền liệt
Đối với nhóm trên 50, hàng năm nên đi kiểm tra tuyến tiền liệt và làm phép xét nghiệm PSA (kháng nguyên đặc trưng tuyến tiền liệt) để biết tình trạng sức khoẻ tuyến tiền liệt, đặc biệt là nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Sàng lọc bệnh ung thư tuyến tiền liệt bao gồm, xét nghiệm trực tràng bằng kỹ thuật số (DRE) hoặc PSA. Trong quá trình thử DRE, bác sĩ sẽ đưa một ngón tay đeo găng bôi trơn vào trực tràng người bệnh để kiểm tra tuyến tiền liệt và kiểm tra xem các khối u trong tuyến tiền liệt.
PAS là phép thử máu để biết số lượng protein do tuyến tiền liệt bài tiết, còn phép thử DRE có thể phát hiện bệnh phình đại tuyến tiền liệt hoặc ung thư tiền liệt tuyến. Nếu hàm lượng PSA cao thì rủi ro mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt là rất lớn.
8. Cân nặng
Mỗi năm, nhóm người cao niên nên đi kiểm tra chiều cao, trọng lượng và chỉ số trọng lượng cơ thể (BMI) ít nhất 1 lần. BMI được tính bằng công thức: BMI = Trọng lượng : (Chiều cao)2 . Trọng lượng tính bằng kg, chiều cao tính bằng mét. Ví dụ, một người nặng 55 kg, cao 1,6 m thì BMI= 55: (1,6)2 = 21,48. Nếu IBM 18,5 đến 24,9 là bình thường, nếu từ BMI= 25-30 là thừa cân và trên 30 được xem là béo phì.
Nhờ biết được BMI sẽ giúp mọi người biết được trọng lượng cơ thể hợp lý, nhất là tăng cân, béo phì, để điều chỉnh lối sống và ăn uống cho phù hợp, bởi béo phì ở người già liên quan tới rất nhiều bệnh nan y, trong đó có ung thư, tiểu đường và tim mạch.
Theo Nông nghiệp Việt Nam