Liệu pháp mới dùng thuốc Trastuzumab giúp người bệnh hạn chế thấp nhất việc cắt dạ dày, bớt tổn thương vùng niêm mạc dạ dày không có khối u.
Theo ước tính, mỗi năm Việt Nam có khoảng 15 nghìn trường hợp bị ung thư dạ dày và hơn 11 nghìn ca tử vong. Đây là loại ung thư phổ biến hàng thứ ba trong mười loại bệnh ung thư thường gặp ở Việt Nam. Đáng chú ý, có tới ba phần tư người bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn làm cho việc điều trị khó khăn, hiệu quả thấp. Trong khi đó, các nghiên cứu cho thấy người bệnh ung thư dạ dày giai đoạn một khi được điều trị có tới 90 đến 95% khỏi bệnh; giai đoạn hai tỷ lệ này là 80%; giai đoạn ba là 40 đến 50%; và giai đoạn bốn (muộn) chỉ còn 15 đến 20%.
Theo GS Yoon Koo Kang, Khoa chống ung thư, trường Y khoa Asan, Đại học Ulsan, Hàn Quốc, tại nhiều nước trên thế giới đều triển khai chương trình sàng lọc ung thư dạ dày trong cộng đồng.
Theo GS Nguyễn Bá Đức, hiện nay, việc chẩn đoán ung thư dạ dày tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn như các biện pháp chẩn đoán điều trị tại các trung tâm y tế chưa đạt yêu cầu. Bởi, để chẩn đoán chính xác thì chỉ có các bệnh viện lớn ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Những bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện cũng tiến hành mổ ung thư dạ dày nhưng chưa hiệu quả.
Vì vậy, người dân khi có những triệu chứng lâm sàng như: thấy khó tiêu, nóng rát vùng thượng vị, ăn không thấy ngon miệng, mệt mỏi, đầy bụng sau khi ăn, đau bụng, nôn và buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, sút cân, xuất huyết tiêu hóa, nuốt ngẹn… cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ung thư dạ dày là loại ung thư hay gặp ở cả nam và nữ. Mỗi năm khoảng một triệu ca mắc mới (tăng dần theo độ tuổi), là nguyên nhân gây tử vong cho hơn 800 nghìn người trên toàn thế giới.
Tỷ suất mắc ung thư dạ dày ở các nước châu Á thường cao hơn các nước phương Tây. Theo thống kê, châu Á chiếm khoảng 2/3 tỷ lệ mắc bệnh và tử vong của toàn cầu.
Các nước ở khu vực châu Á có tỷ lệ mắc bệnh này cao là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam
Nguồn Báo Nhân Dân