Thuận Bắc chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp

Nhằm tạo động lực đưa kinh tế phát triển, huyện Thuận Bắc tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo thu nhập ổn định cho nông dân địa phương.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm, phát triển bền vững, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Để thực hiện thắng lợi nghị quyết trên, huyện Thuận Bắc tập trung ưu tiên cho việc đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất mới, trọng tâm là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất trên cơ sở phát huy lợi thế của từng khu vực, hệ thống thủy lợi, tăng cường hoạt động chuyển đổi cây trồng gắn với liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã bao tiêu sản phẩm cho người dân; tăng tỷ trọng chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính trong cơ cấu nông, lâm nghiệp, góp phần vào tăng trưởng kinh tế địa phương.

Với quỹ đất canh tác trên 8.600ha, nhưng đa phần thuộc vùng gò đồi, xa nguồn nước và đặc biệt thường xuyên chịu tác động của nắng hạn, khắc phục điều kiện bất lợi, Huyện ủy, UBND huyện đã kịp thời ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, nổi bật nhất việc thành lập Tổ vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng trên đất lúa và đến nay có sự chuyển biến rõ rệt. Ghi nhận tại một số vùng chuyển đổi cây trồng trên địa bàn huyện, có thể thấy rõ cách làm kinh tế của nông dân có sự thay đổi đáng kể, việc lựa chọn cây trồng gắn với tiêu thụ thị trường đã được chú trọng hơn so với trước đây. Ông Đinh Thiên Hoàng, thôn Kiền Kiền 1, xã Lợi Hải chia sẻ: Vùng canh tác Rẫy Sở được địa phương quy hoạch khoảng 10ha để trồng rau màu, nhờ có hệ thống thủy lợi và đường điện nên rất thuận lợi cho sản xuất; bà con chủ yếu trồng các loại cây ngắn ngày, tiết kiệm nước cho thu nhập cao hơn hẳn so với trồng lúa. Riêng gia đình tôi có 3,2 sào đất, trồng luân phiên cây ớt, cà chua, dưa hoàng kim, mỗi vụ ước tính thu lãi khoảng 10 triệu đồng/sào.

Nông dân xã Lợi Hải (Thuận Bắc) trồng rau màu áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm.

Để chuyển đổi cây trồng đạt kết quả cao, huyện thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án giảm nghèo bền vững, vốn vay ngân hàng cho người dân; cùng với đó, bố trí kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, kênh mương nội đồng, đưa nhiều giống cây mới trồng thí điểm và tổ chức nhân rộng đại trà. Đến nay, ngoài duy trì ổn định diện tích trồng lúa hơn 6.500ha/năm, năng suất bình quân đạt 6,5 tấn/ha, trên địa bàn có trên 250ha đất trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang cây trồng cạn, cho hiệu quả kinh tế tăng từ 1,5-2 lần, đặc biệt một số khu vực chuyển đổi sang cây nha đam, dưa hoàng kim tăng gấp 3 lần. Ngoài ra, còn duy trì và nhân rộng 5 mô hình sản xuất cánh đồng lớn, quy mô 309ha; trồng mì cao sản, điều, bắp, mô hình tưới nước tiết kiệm... làm tăng giá trị đơn vị diện tích.

Song song đó, vị thế ngành chăn nuôi ngày càng được khẳng định, với tổng đàn gia súc có sừng gần 47.000 con, heo 24.000 con và đàn gia cầm 315.000 con. Sản phẩm gia súc, gia cầm được định hướng phát triển gắn liền với đặc thù miền núi, các nông hộ chú trọng đầu tư trang trại, gia trại để tổ chức nuôi với số lượng lớn. Đặc biệt, để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường đối với sản phẩm heo đen và gà núi, huyện tạo điều kiện cho Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Suối Đá liên kết với người dân xây dựng chuỗi giá trị, hỗ trợ đầu tư kho đông lạnh, giới thiệu sản phẩm, kết nối tiêu thụ tại các siêu thị trong và ngoài tỉnh, mỗi năm xuất bán với số lượng lớn, đem lại lợi nhuận đáng kể. Nhiều mô hình phát triển kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai hiệu quả, các hộ dân được hỗ trợ vật nuôi giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống, xóa đói, giảm nghèo bền vững. Chỉ tính riêng trong năm 2024, trên địa bàn huyện có 299 hộ dân được hỗ thực hiện mô hình chuôn nuôi bò, dê sinh sản.

Ông Nguyễn Châu Cảnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Bắc, cho biết: Nhờ thực hiện có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ đột phá trong sản xuất, cùng với tinh thần đổi mới, sáng tạo của người dân, hình thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu ổn định từng bước được xóa bỏ, các nông hộ mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới, hình thành vùng sản xuất cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng. Trong năm 2024, ngành nông nghiệp ước đạt 2.036 tỷ đồng, đạt 100,7% kế hoạch, tăng 8% so với năm trước.

Hướng tới phấn đấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp trong năm 2025 đạt 2.143 tỷ đồng, huyện Thuận Bắc đề ra các giải pháp triển khai kịp thời và đầy đủ các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn và nông dân; tập trung chuyển đổi cây trồng từ đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn tại các trạm bơm theo quy mô hàng hóa; bố trí vốn đầu tư kênh mương, sửa chữa nâng cấp các công trình thủy lợi. Phát triển chăn nuôi toàn diện, đồng bộ, nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm đáp ứng yêu cầu công nghiệp chế biến, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.