Cụ thể 6 chương trình chuyên đề, gồm: Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM; Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh; Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM; Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025; Chương trình chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh trật tự trong xây dựng NTM, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Bám sát Nghị quyết số 16-NQ/TU, Kế hoạch của UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đã chủ động xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện các Chương trình chuyên đề giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch thực hiện từng năm theo đúng yêu cầu, nhiệm vụ của từng chương trình chuyên đề. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách, thành tựu trong xây dựng NTM các cấp; tổ chức đánh giá, báo cáo kết quả triển khai thực hiện các Chương trình chuyên đề định kỳ theo quy định. Đồng thời, UBND tỉnh đã xây dựng và trình HĐND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách triển khai, thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh. Các nhiệm vụ, giải pháp đề ra đã được tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả; các cơ chế, chính sách ban hành phù hợp với thực tiễn xây dựng NTM, góp phần nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ chương trình.
Cơ sở hạ tầng nông thôn mới nâng cao xã Phước Thuận (Ninh Phước). Ảnh: Văn Nỷ
Chương trình OCOP: Các địa phương đã triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung của chương trình theo Kế hoạch giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung triển khai các giải pháp như: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ; tổ chức bộ máy và đào tạo nguồn nhân lực; tổ chức triển khai chu trình OCOP thường niên; tăng cường vai trò của cộng đồng trong phát triển sản phẩm OCOP… Trong những năm qua, các ngành, địa phương đã phối hợp tổ chức 18 lớp tập huấn, đào tạo cho cán bộ, công chức các cấp và các chủ thể tham gia Chương trình OCOP với hơn 728 lượt đại biểu tham dự; hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP, xúc tiến thương mại (Hỗ trợ 2 doanh nghiệp tham gia/duy trì trên sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế Alibaba.com, 3 đơn vị tham gia sàn Sendo, 34 sản phẩm tham gia sàn Postmart, 26 sản phẩm tham gia sàn Voso; Hỗ trợ xây dựng 14 bộ thương hiệu trực tuyến gồm website, hệ thống Email, Fanpage trên Facebook, Landing page và 18 website thương mại điện tử các cho cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm đặc thù của tỉnh thuộc chương trình phát triển thương mại điện tử; hỗ trợ 18 phần mềm bán lẻ, 40 chữ ký số trong giao dịch thương mại điện tử; Hỗ trợ 220 đơn vị ứng dụng, sử dụng hợp đồng điện tử trong giao dịch thương mại); phát triển hệ thống các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP với 14 điểm; đồng thời hình thành các quầy kệ trưng bày các sản phẩm tại 03 đơn vị. Trong các năm 2022-2023, Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, huyện tổ chức đánh giá phân hạng cho sản phẩm OCOP, luỹ kế đến năm 2023, toàn tỉnh có 182 sản phẩm công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP (trong đó 30 sản phẩm đạt 4 sao và 152 sản phẩm đạt 3 sao). Để triển khai thực hiện mô hình thí điểm theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Dự án phát triển sản phẩm OCOP về dịch vụ du lịch gắn với nâng cao vai trò tổ chức và quản lý cộng đồng tại thôn Cầu Gãy, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) thực hiện giai đoạn 2024-2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1819/QĐ-UBND, ngày 25/12/2023 và đang tổ chức triển khai thực hiện.
Các doanh nghiệp trưng bày sản phẩm OCOP tại Tp.Phan Rang-Tháp Chàm. Ảnh: Văn Nỷ
Chương trình Phát triển du lịch: Căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, các huyện đã chủ động xây dựng các đề án, kế hoạch để triển khai thực hiện gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, làng có nghề, văn hóa như: hỗ trợ xây dựng nhà sàn, nhà vệ sinh, cải tạo cảnh quan môi trường; tổ chức các lớp tập huấn và thành lập các tổ nhóm khai thác dịch vụ du lịch. Điển hình, như huyện Bác Ái thực hiện Đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn xã Phước Bình, đã hỗ trợ 95 tham gia trong mô hình du lịch; Huyện Ninh Sơn đã hỗ trợ thực hiện mô hình du lịch cộng đồng tại các xã Lâm Sơn, Nhơn Sơn với tổng kinh phí 983 triệu đồng. Đối với Mô hình thí điểm phát triển du lịch nông thôn gắn với du lịch vườn cây ăn trái tại xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn đang hoàn thiện về hồ sơ trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh: Các địa phương đã tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng số, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn; tăng cường xây dựng cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin, truyền thông cơ sở, ưu tiên phát triển, nâng cấp các đài truyền thanh xã có cụm loa hoạt động đến thôn và tăng cường phương tiện sản xuất các sản phẩm thông tin, tuyên truyền cho cơ sở truyền thanh cấp huyện; phát triển và duy trì các điểm cung cấp dịch vụ bưu chính. Hiện nay 100% số xã đều triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành; hoàn thành chỉ tiêu 8.4 thuộc Tiêu chí số 8 xã NTM theo Kế hoạch; phát triển thêm các điểm công cộng có Wifi miễn phí, nâng tỷ lệ giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Triển khai mô hình thí điểm xã thương mại điện tử Phước Thuận, UBND xã Phước Thuận đã trình UBND huyện Ninh Phước thẩm tra và trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định.
Người dân xã Phước Bình (Bác Ái) đầu tư, phát triển du lịch cộng đồng. Ảnh: Văn Nỷ
Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn: Các địa phương đã triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung của chương trình theo Kế hoạch số 4192/KH-UBND, ngày 25/9/2022 của UBND tỉnh, trong đó tập trung triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn, tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải rắn; thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật… Triển khai mô hình thí điểm xử lý, tuần hoàn chất thải trong chăn nuôi heo tại huyện Ninh Sơn theo danh mục phê duyệt tại, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng và hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt, làm cơ sở triển khai thực hiện theo quy định.
Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng NTM: Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 12/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến 2030, các huyện đã ban hành kế hoạch, chương trình hành động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, Quyết định số 06/2022/QĐ-UBND của UBND tỉnh trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao, công nghệ sinh học và tái cơ cấu ngành nông nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân… ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Điển hình như, Huyện Bác Ái triển khai thực hiện hỗ trợ đầu tư 2 dự án cho 2 hộ nông dân trồng dưa lưới trong nhà màng, nhà lưới áp dụng quy trình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, với tổng kinh phí hỗ trợ 1.050 triệu đồng và hỗ trợ nhân rộng tưới nước tiết kiệm cho các hộ dân với tổng mức đầu tư 874 triệu đồng 12,75ha, (người dân tham gia thụ hưởng dự án đối ứng 478 triệu đồng, Nhà nước hỗ trợ 396 triệu đồng); huyện Ninh Sơn đã triển khai thực hiện hỗ trợ đầu tư dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ nguồn vốn sự nghiệp Chương trình xây dựng NTM, với tổng kinh phí hỗ trợ 3.160 triệu đồng (10 dự án); huyện Ninh Hải đã triển khai thực hiện 2 đề tài: Phát triển các sản phẩm sau muối và Nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nho…
Nông dân huyện Bác Ái mang dưa lưới ứng dụng công nghệ cao ra thị trường tiêu thụ. Ảnh: Văn Nỷ
Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ (giai đoạn 2022-2023) phối hợp và đang tổ chức triển khai 3 nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ phục vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn, gồm: Gồm: “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng thâm canh một số loại cây ăn quả chất lượng cao kết hợp trồng cây sa nhân tím dưới tán vườn tại huyện miền núi Ninh Sơn và Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.”, “Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô (Invitro) nhân giống Nha đam sạch bệnh và xây dựng mô hình sản xuất chuyên canh cây Nha đam phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tỉnh Ninh Thuận”, “Nghiên cứu ứng dụng giải pháp kỹ thuật cải tạo vườn điều kết hợp trồng xen cây dược liệu theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận” với tổng kinh phí hơn 13,95 tỷ đồng.
Chương trình nâng cao, chất lượng hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng NTM: Các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung của chương trình, trong đó tập trung triển khai các giải pháp như: Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự góp phần xây dựng NTM; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo đảm an ninh chính trị ở địa bàn nông thôn; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn nông thôn; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an xã chính quy đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; tăng cường củng cố mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng công an với các ngành, đoàn thể trong xây dựng lực lượng nòng cốt làm công tác bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn nông thôn. Tính đến nay, toàn tỉnh có 44 mô hình quần chúng tự quản về an ninh trật tự đang hoạt động, trong đó có 39 mô hình được xây dựng, tổ chức hoạt động tại địa bàn nông thôn. Hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an về công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Lực lượng Công an các cấp phát huy vai trò nòng cốt, tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan, ban ngành, tổ chức, đoàn thể xã hội trong công tác tuyên truyền; lồng ghép nội dung tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự góp phần xây dựng NTM gắn với thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đến tháng 6/2024 có 68,1% (32/47) số xã đạt tiêu chí số 19 về Quốc phòng và An ninh.
Nhờ triển khai đồng bộ và toàn diện 6 chương trình chuyên đề phục vụ xây dựng NTM, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đã tạo được bước đột phá trong phát triển KT-XH, phát triển mạnh về kết cấu hạ tầng, làm thay đổi khá toàn diện bộ mặt nông thôn, nông nghiệp; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; vai trò của hệ thống chính trị và chủ thể của Nhân dân được phát huy. Đến nay, toàn tỉnh có 2 huyện, 32 xã, 84 thôn đạt chuẩn NTM; trong đó có 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 7 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn ước đến hết năm 2024 tăng 1,45 lần so với năm 2020, gần bằng mục tiêu đến năm 2025 (mục tiêu đến năm 2025 là 1,5 lần). Hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều điều giảm, vượt tỷ lệ đề ra, bộ mặt nông thôn tiếp tục thay đổi ngày một khang trang, hiện đại, sạch đẹp hơn.
Xuân Bính