Tin tổng hợp

* Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS luôn được tỉnh quan tâm, chú trọng. Tỉnh tập trung tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia hoạt động các phong trào văn hóa, văn nghệ - thể dục thể thao gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh. Đến nay có 14 xã vùng đồng bào DTTS có Nhà văn hóa; 21 xã còn lại sáp nhập Trung tâm Học tập cộng đồng và Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã thành Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã; có 40 nhà sinh hoạt cộng đồng. Tổ chức mở các lớp truyền dạy nhạc cụ truyền thống của đồng bào Chăm gắn với du lịch phát triển làng nghề truyền thống tại làng Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước; và lớp truyền dạy cho đồng bào Raglai thôn Bố Lang, xã Phước Bình, huyện Bác Ái. Toàn tỉnh có 21 nghệ nhân là người đồng bào DTTS (Chăm, Raglai) được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc, Thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) trình diễn nghệ thuật làm gốm của đồng bào Chăm cho du khách xem. Ảnh: Văn Nỷ

Ngày 29/11/2022 di sản nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp đối với Việt Nam và của cộng đồng người Chăm. Các lễ hội thường được tổ chức ở các cộng đồng dân cư, thu hút sự quan tâm đông đảo của Nhân dân trong vùng, trong nước và quốc tế. Có những di sản văn hóa phi vật thể có sức ảnh hưởng rộng rãi, được quảng bá giới thiệu đến nhiều quốc gia trên thế giới như: Lễ hội Katê, nghề gốm truyền thống, nghề dệt thổ cẩm của người Chăm ... các di sản trên ngoài việc phục vụ đời sống tinh thần cho Nhân dân đã và đang được tỉnh Ninh Thuận xây dựng thành một sản phẩm văn hóa phục vụ phát triển du lịch. Hiện nay, tỉnh tiếp tục hoàn thiện Đề án Tổ chức lễ hội Katê của đồng bào Chăm và Đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm; triển khai thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Bẫy đá Pinăng Tắc tại xã Phước Bình, huyện Bác Ái...

* Tỉnh Ninh Thuận có 32 dân tộc thiểu số (DTTS) với 39.478 hộ/176.452 khẩu chiếm 24,03% dân số toàn tỉnh. Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, sự phối hợp các cấp, các ngành và UBND các huyện, thành phố đã tập trung thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc.

Đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Chăm ở Phước Nam (Thuận Nam) ngày càng nâng cao. Ảnh: Văn Nỷ

Đến nay, đã có trên 99% hộ dân đồng bào DTTS được sử dụng lưới điện quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; trên 99% hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 75% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; trên 96% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố. UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương triển khai xây dựng các điểm tập kết, xử lý rác thải sinh hoạt; lồng ghép công tác vệ sinh môi trường vào hương ước, quy ước của thôn, khu phố; đồng thời hướng dẫn người dân thực hiện việc ăn, ở hợp vệ sinh, di chuyển, sắp xếp chuồng trại hợp lý, cấm nuôi heo thả rong; xây dựng nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh tại vùng DTTS và miền núi; đến nay, tỷ lệ số xã có tổ chức thu gom và xử lý rác thải đạt 83,6% (trong đó có xã vùng DTTS và miền núi), tỷ lệ khu vực công cộng, các trục đường liên xã, liên thôn và các trục đường chính nội đồng được trồng cây xanh đạt 80%; các nghĩa trang được quy hoạch, cải tạo và việc mai táng được thực hiện phù hợp với tín ngưỡng, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa.