Khơi dậy sức dân trong xây dựng nông thôn mới

Năm 2011, xã Hòa Sơn (Ninh Sơn) được chọn làm điểm khởi động chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh, từ đó đến nay chương trình đã tạo sự lan tỏa sâu rộng trong tầng lớp nhân dân. Các phong trào thi đua, đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển rộng khắp ở cơ sở, mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả không ngừng được duy trì và nhân rộng; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn.

Trở lại xã Phước Hậu (Ninh Phước), sau gần 8 năm về đích NTM, đi trên những con đường bê tông rộng, ngắm những ngôi nhà khang trang, hai bên đường hoa, lá xanh tươi, môi trường xanh, sạch, đẹp, chúng tôi cảm nhận rõ sự thay đổi của vùng quê này. Kết quả trên là sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương qua nhiều năm thực hiện chương trình xây dựng NTM. Chị Thành Thị Kim Ngân, thôn Hiếu Lễ, xã Phước Hậu, chia sẻ: Chung tay xây dựng NTM, bản thân tôi và người dân ở đây đều nâng cao ý thức và tham gia thực hiện các phần việc cụ thể. Điển hình khi xã phát động xây dựng nhà văn hóa thôn, ai cũng tự nguyện góp kinh phí và tham gia ngày công để cùng làm. Từ ngày có nhà văn hóa rộng rãi, sạch đẹp, hoạt động hội họp, phong trào văn hóa, văn nghệ được nâng lên đáng kể. Ngoài ra, hằng tháng, bà con và đoàn viên, thanh niên đều tổ chức vệ sinh môi trường, chăm sóc cây xanh, tạo diện mạo nông thôn của xã đổi mới từng ngày.

Hạ tầng giao thông nông thôn mới xã Phước Hậu (Ninh Phước). Ảnh: Hồng Lâm

Đồng chí Huỳnh Hồng Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hậu, cho biết: Ngoài tập trung phát triển kinh tế, cùng với sự hỗ trợ, đầu tư của nhà nước, địa phương tập trung huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đặc biệt, đề cao vai trò của người có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động khơi dậy nguồn lực từ trong dân để xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Nhờ đó đến nay, hệ thống giao thông, điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng bài bản, nâng cao sự hưởng lợi của người dân. Đây là động lực để xã tiếp tục đề ra các giải pháp giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt NTM, hướng đến xây dựng hoàn thành mục tiêu xã NTM nâng cao.

Đáng ghi nhận hơn, phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”, không chỉ ở khu vực đồng bằng mà còn nhận được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của đông đảo người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đơn cử như xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) là địa phương đặc biệt khó khăn, nhờ linh hoạt trong công tác tuyên truyền, vận động, người dân tự nguyện đóng góp kinh phí xây dựng tuyến đường cờ, điện thắp sáng, sửa chữa, nâng cấp khuôn viên nhà văn hóa, khu vui chơi giải trí cho trẻ em trên 300 triệu đồng, hiến trên 1.000m2 đất mở rộng đường giao thông nông thôn, nội đồng và đóng góp ngày công lao động 800 triệu đồng. Đến nay, tuyến đường của 4/4 thôn đều được bê tông hóa, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa nông sản của người dân. Đồng chí Lữ Phụng Trường, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thuận Bắc, nhìn nhận: Mặc dù thuộc địa bàn miền núi, có gần 70% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhưng chính lợi ích thiết thực của chương trình xây dựng NTM mang lại, mỗi người dân đều có đóng góp nhất định; qua đó, tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc, cùng chung tay góp sức xây dựng quê hương thêm phần giàu đẹp.

Với quan điểm xây dựng NTM phải đảm bảo liên tục, toàn diện, hiệu quả, bền vững và nâng cao, trong những năm qua, công tác tuyên truyền được các cấp, các ngành quan tâm đẩy mạnh. Các cơ quan chuyên môn phối hợp với ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội đưa nội dung, mục đích, ý nghĩa của chương trình đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cùng với đó, tỉnh còn ban hành nhiều cơ chế, chính sách trong xây dựng NTM phù hợp với tình hình thực tế, chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung huy động mọi nguồn lực, huy động sức dân cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn, tạo bước đột phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội. Theo Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, trong giai đoạn 2021-2023, tổng số vốn huy động thực hiện chương trình đạt trên 1.500 tỷ đồng; trong đó, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và cộng đồng dân cư đóng góp hơn 91 tỷ đồng, ưu tiên đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, hỗ trợ phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt; xây mới, nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường giao thông...

Diện mạo nông thôn mới xã Xuân Hải (Ninh Hải).

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, vai trò của các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, đoàn thể ở nhiều nơi được phát huy tốt cùng với tinh thần chủ động tham gia của người dân, góp phần đưa chương trình xây dựng NTM đạt chất lượng, hiệu quả cao. Đến hết quý I/2024, toàn tỉnh có 2 huyện Ninh Phước và Ninh Hải đạt chuẩn huyện NTM, có 32/47 xã đạt chuẩn NTM và 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng như: Mô hình chuyển đổi cây trồng, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; mô hình “Thắp sáng đường quê”, “Hũ gạo tình thương”; chung tay vận động Quỹ “Vì người nghèo”, xây dựng nhà đại đoàn kết, xóa nhà tạm, nhà dột nát; phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”... tiếp tục được duy trì và nhân rộng ở các địa phương.

Để chương trình xây dựng NTM thực sự đi đúng định hướng, phù hợp với điều kiện kinh tế của tỉnh; đồng thời, tạo động lực cho các địa phương phấn đấu đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí, ngày 13/1/2022, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 13/1/2022 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong thực hiện xây dựng NTM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Quán triệt tinh thần nội dung của nghị quyết, các ngành, địa phương tập trung xây dựng kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện phù hợp; đẩy mạnh thu hút nguồn lực đầu tư; nâng cao hoạt động tuyên truyền, vận động, huy động sự tham gia của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị để thực hiện thành công mục tiêu đề ra. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 4 huyện đạt chuẩn NTM, ít nhất 38/47 xã đạt chuẩn xã NTM, 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, không còn số xã đạt dưới 15 tiêu chí.