Nỗ lực kết nối cung - cầu lao động

Phát huy vai trò cầu nối giữa người lao động (LĐ) và doanh nghiệp (DN) tuyển dụng, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (gọi tắt là Trung tâm) đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung - cầu LĐ thông qua các phiên giao dịch việc làm (GDVL). Bên cạnh đó, hoạt động giải quyết bảo hiểm thất nghiệp cũng được cán bộ Trung tâm hỗ trợ nhanh chóng nhằm đảm bảo cho người LĐ có chỗ dựa ổn định trong thời gian tìm việc làm mới.

Đổi mới, đa dạng các phiên giao dịch việc làm

Thời gian qua, các phiên GDVL đã phát huy hiệu quả kết nối người LĐ với người sử dụng LĐ. Tham gia các phiên GDVL, người LĐ dễ dàng tiếp cận với thông tin tuyển dụng của DN; người sử dụng LĐ lại tiết kiệm được rất nhiều chi phí tuyển dụng. Vì vậy, Trung tâm luôn xác định việc tổ chức các phiên GDVL là hoạt động trọng tâm. Ban lãnh đạo thường xuyên nghiên cứu, đổi mới tổ chức các phiên theo hướng đa dạng hình thức, mở rộng địa bàn, đối tượng tham gia. Cụ thể hóa phương châm này, từ đầu năm đến nay, bên cạnh các phiên GDVL định kỳ vào ngày 20 hằng tháng, Trung tâm dành kinh phí, bố trí nhân lực tổ chức nhiều phiên GDVL lưu động tại các huyện, thành phố, đặc biệt ưu tiên vùng nông thôn, miền núi. Song song đó, các phiên chuyên đề dành riêng cho bộ đội xuất ngũ, người mãn hạn tù cũng thu hút số đông người LĐ tham gia. Đặc biệt, đơn vị lồng ghép việc giới thiệu việc làm với tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin về cung - cầu LĐ để các bạn trẻ, học sinh cuối cấp THPT lựa chọn ngành nghề phù hợp, dễ dàng tìm việc sau khi tốt nghiệp. Tính đến ngày 15/8/2024, Trung tâm đã tổ chức 92 phiên GDVL với sự tham gia của 108 DN và hơn 5.700 LĐ được tư vấn, qua đó kết nối việc làm thành công cho 306 LĐ ngay khi kết thúc phiên giao dịch.

Doanh nghiệp trực tiếp phỏng vấn người lao động tại các phiên giao dịch việc làm.

Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm cho biết: Trong các phiên GDVL dù lớn hay nhỏ, Trung tâm đều phối hợp chặt chẽ với địa phương, DN nhằm kết nối cung - cầu LĐ, hỗ trợ người LĐ tiếp cận việc làm hiệu quả nhất. Khi DN có nhu cầu tuyển dụng đăng ký với Trung tâm, đơn vị sẽ phân loại vị trí công việc theo yêu cầu, mức lương, chính sách phúc lợi... Tại các phiên GDVL, Trung tâm niêm yết cụ thể những thông tin này gắn với nhu cầu tuyển dụng trong tỉnh và xuất khẩu LĐ cụ thể; bố trí khu vực, trang thiết bị, cán bộ tư vấn, phỏng vấn tuyển dụng trực tiếp, tạo thuận tiện cho người LĐ và DN kết nối. Hầu hết LĐ tham gia phiên giao dịch đều được tìm hiểu kỹ thông tin trước khi nộp hồ sơ ứng tuyển.

Cùng với các phiên GDVL, hằng ngày, tại Trung tâm và các Văn phòng Dịch vụ việc làm huyện Ninh Sơn, Ninh Phước luôn có cán bộ hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu việc làm trong và ngoài nước cho người LĐ hoàn toàn miễn phí. Đặc biệt, những năm qua, Trung tâm đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số bằng việc thiết lập đường dây tư vấn, giới thiệu việc làm online qua Fanpage “Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Thuận” và Zalo của cán bộ tư vấn. Từ đó, tạo thuận lợi cho người LĐ tiếp cận nguồn thông tin chính thống, tránh rủi ro khi tìm việc. Theo tổng hợp của Trung tâm, hiện nay, các DN trong và ngoài tỉnh đang có nhu cầu tuyển dụng gần 4.000 LĐ ở nhiều ngành nghề như cơ khí, may mặc, nhân viên thị trường, kế toán, nhân viên kỹ thuật... Mức lương cũng như các chế độ phúc lợi xã hội được DN cam kết thực hiện đầy đủ theo quy định và những chế độ đãi ngộ riêng theo chính sách của từng DN.

Nhiều hoạt động hỗ trợ người lao động

Người LĐ khi đến Trung tâm đều được cán bộ, nhân viên tư vấn, hỗ trợ cụ thể. Đối với hoạt động tư vấn xuất khẩu LĐ, những đơn hàng LĐ nước ngoài luôn được thông tin đầy đủ đến người LĐ có nhu cầu. Hiện tại, Trung tâm đang phối hợp với các DN có chức năng đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài tư vấn, giới thiệu các đơn hàng đi làm việc tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Từ đầu năm đến nay, thông qua Trung tâm, đã có 9 LĐ xuất cảnh; tạo nguồn cho 83 LĐ, giúp người LĐ có đủ các điều kiện cơ bản trước khi dự tuyển các đơn hàng tham gia xuất khẩu LĐ.

Ngoài ra, với chức năng hỗ trợ người LĐ làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, Trung tâm đã thực hiện linh hoạt các giải pháp góp phần giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhanh chóng, hiệu quả, tuyệt đối không gây phiền hà cho người LĐ. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã hỗ trợ 3.526 LĐ nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp; số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 3.433 người với tổng số tiền chi trả hơn 63 tỷ đồng. Để hỗ trợ người LĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp nhanh chóng quay trở lại thị trường LĐ, Trung tâm tăng cường tư vấn, hỗ trợ NLĐ thất nghiệp tham gia các lớp đào tạo nghề dựa trên nhu cầu của người LĐ kết hợp với nhu cầu tuyển dụng của các DN. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh hoạt động kết nối cung - cầu LĐ; giới thiệu những LĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có nhu cầu tìm việc đến các DN đang có nhu cầu tuyển dụng.

Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm cho biết thêm: Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục tổ chức các phiên GDVL cố định hằng tháng, cũng như các phiên GDVL lưu động tới tận các xã nông thôn, miền núi. Đặc biệt, trong 3 ngày 14, 21 và 28/9, thực hiện chỉ đạo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm sẽ tổ chức Ngày hội Việc làm tỉnh Ninh Thuận năm 2024 với chủ đề “Tư vấn hướng nghiệp gắn với giải quyết việc làm” tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, Trung tâm Văn hóa các huyện Ninh Sơn và Ninh Phước với sự tham gia của 20 DN và hàng trăm LĐ tại các địa phương. Song song đó, Trung tâm tiếp tục chủ động phối hợp Ban Quản lý các khu công nghiệp và các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện rà soát, nắm bắt thông tin về nguồn cung - cầu LĐ ở các địa phương. Từ đó, xây dựng phương án hỗ trợ kết nối việc làm giữa LĐ và DN, góp phần vào mục tiêu giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn tỉnh.