Tại huyện Thuận Nam, hoạt động dịch vụ du lịch trải nghiệm đồi cát bằng xe Jeep thu hút du khách đến từ trong và ngoài nước. Trên tuyến đường 701, đoạn qua xã Phước Dinh, hiện có 4 cơ sở kinh doanh trải nghiệm địa hình đồi cát bằng xe Jeep. Mỗi ngày, các đơn vị đón và phục vụ hàng trăm lượt khách, bao gồm cả khách đoàn và khách đơn lẻ, tự túc.
Du khách chụp ảnh khi tham quan đồi cát Mũi Dinh (Thuận Nam). Ảnh: N.Diệp
Nhờ thời tiết thuận lợi, những ngày lễ, các đơn vị đón và phục vụ khách xuyên ngày. Chia sẻ cảm giác sau 1 giờ ngồi trên chiếc xe Jeep khám phá những cung đường cát ven biển Mũi Dinh, bạn Đinh Hoàng Anh đến từ Hà Nội cho biết: Cảm giác thật là thoải mái và phấn khích. Mình mê những chiếc xe Jeep thoáng đãng, động cơ mạnh mẽ nhưng lại mang nét cổ điển. Là con trai mình thấy thích thú khi chiếc xe băng qua những đoạn đường gồ ghề, uốn lượn.
Đến với những đồi cát ở Mũi Dinh bằng xe Jeep, du khách khách có cơ hội đứng trên những đồi cát cao hàng chục mét tận hưởng không khí mát lành của gió biển, được phóng tầm mắt thu trọn cảnh vật, thiên nhiên biển cả và núi cao. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội cho những ai đam mê hoạt động giải trí mang cảm giác mạnh khi được tham gia vào trò chơi trượt cát.
Du khách trải nghiệm hoạt động trượt cát tại đồi cát Mũi Dinh. Ảnh: N.Diệp
Anh Đoàn Ngọc Thái, chủ cơ sở kinh doanh loại hình dịch vụ xe địa hình Nắng Mũi Dinh cho biết: Đơn vị có hơn 10 chiếc xe, những ngày lễ hoạt động liên tục từ sáng tới chập tối, đưa đón, phục vụ hơn 100 du khách. Đa phần khách sau khi trải nghiệm đều cảm thấy rất thích thú.
Theo đại diện phòng kinh doanh Khu du lịch Tanyoli Mũi Dinh, những ngày lễ, đơn vị hoạt động hết công suất. Khách đặt phòng lưu trú, sử dụng dịch vụ trải nghiệm cũng có mà khách tham quan cũng có. Chúng tôi huy động tối đa nhân lực để phục vụ tốt du khách.
* Tại huyện Ninh Phước, khách đến với địa phương đa phần tập trung tại các điểm du lịch sinh thái làng sen, vườn nho, nhất là tại làng Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân. Du khách đến đây để tìm hiểu, trải nghiệm về nghệ thuật làm gốm của người Chăm, một di sản văn hoá được UNESCO vinh danh.
Du khách lựa chọn mua sản phẩm gốm Bàu Trúc của đồng bào Chăm (Ninh Phước). Ảnh: Văn Nỷ
Chị Nguyễn Trúc Như Quỳnh, du khách đến từ Lâm Đồng cho biết: Mình được biết về nghề làm gốm ở Bàu Trúc đã lâu nhưng nay mới có dịp tận mắt chứng kiến. Quả thực, các sản phẩm gốm ở đây đa dạng và phong phú. Nghệ thuật làm gốm bằng tay cũng rất độc đáo. Đến với các điểm tham quan gốm Bàu Trúc, nhiều em nhỏ và người lớn khá thích thú khi được các nghệ nhân hướng dẫn, tự tay nhào nặn, chế tác, tạo hình những sản phẩm yêu thích.
Du khách trải nghiệm hoạt động làm gốm cùng với nghệ nhân Bàu Trúc (Ninh Phước). Ảnh: N.Diệp
Anh Phú Hữu Minh Thuần, Giám đốc Hợp tác xã gốm Chăm Bàu Trúc cho biết: Trong những ngày nghỉ lễ, nhà trưng bày của Hợp tác xã đón rất nhiều đoàn khách đến từ khắp cả nước. Đông nhất là tầm từ 9 – 11 giờ buổi sáng. Khách đến đây được tham quan, trải nghiệm miễn phí.
Theo các đại diện đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, mặc dù là ngày lễ nhưng các đơn vị vẫn giữ nguyên giá hoặc chỉ điều chỉnh nhẹ, thấp hơn 10% so với ngày thường.
* Tại Bác Ái, xu hướng tìm về với thiên nhiên để trải nghiệm của du khách ngày càng tăng, nắm bắt được thực tế này, các điểm DL sinh thái trên địa bàn huyện Bác Ái đã được đầu tư, xây dựng, qua đó tạo nên sự đa dạng về loại hình tham quan, vui chơi để du khách trải nghiệm.
Du khách đến vui chơi tại điểm du lịch Suối Gia Nhong, xã Phước Bình (Bác Ái). Ảnh: K.Hân
Dịp lễ này ở các điểm DL sinh thái tại huyện miền núi Bác Ái như: Thác Cha Pơ, Suối Lạnh, Vườn Quốc gia Phước Bình… thu hút khá đông du khách đến tham quan và trải nghiệm vẻ đẹp hoang sơ của các thác nước, hệ sinh vật cảnh đa dạng của núi rừng cùng nền văn hóa bản địa đặc sắc của đồng bào Raglai. Chị Phan Như Lê ở xã Quảng Sơn (Ninh Sơn), chia sẻ: Tôi đến Thác Cha Pơ đã ba lần rồi, nơi đây có khung cảnh mát mẻ của núi rừng và dòng nước mát lạnh của thiên nhiên ban tặng cho Thác. Dịp lễ này tôi quyết định đưa gia đình và bạn bè lên tham quan và trải nghiệm vẻ đẹp hoang sơ của nơi đây.
Xã Phước Bình có tiềm năng phát triển DL nhờ cảnh đẹp thiên nhiên cùng những nét văn hóa, ẩm thực và sản vật của cư dân địa phương. Để đáp ứng nhu cầu tham quan và nghỉ dưỡng của du khách, thời gian qua địa phương đã nỗ lực cải thiện chất lượng, đa dạng các dịch vụ để đón khách. Những ngôi nhà sàn bằng gỗ, khuôn viên trồng nhiều hoa và cây xanh nhằm tạo cảm giác yên bình kết hợp trồng cây ăn quả để du khách tham quan, trải nghiệm là ý tưởng được nhiều gia đình ở làng DL cộng đồng thôn Hành Rạc 2 đầu tư để đón khách du lịch khi đến Phước Bình.
Du khách tham gia trekking cung đường thác đá bàn của khu vườn Quốc Gia Phước Bình. Ảnh: K.Hân
Anh Katơr Chinh ở thôn Hành Rạc 2, cho biết: Dịp nghỉ lễ năm nay du khách đến Phước Bình khá đông để tham quan, trải nghiệm vườn trái cây và thưởng thức những sản vật đặc thù của địa, đây là tín hiệu vui của xã nhà. Qua 3 ngày nghỉ lễ, gia đình đã đón hơn 20 khách tham quan vườn trái cây và ăn uống tại nhà sàn, trong đó có 10 du khách đăng ký lưu trú qua đêm tại nhà sàn của gia đình, nhờ đó giúp gia đình có thêm thu nhập trong dịp lễ.
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại điểm du lịch cộng đồng thôn Hành Rạc 2, xã Phước Bình. Ảnh: K.Hân
Để nâng cao chất lượng dịch vụ, nhiều ý tưởng DL dựa trên bản sắc văn hóa, ẩm thực địa phương đã được triển khai trên địa bàn huyện Bác Ái. Du khách đi theo đoàn khi nghỉ chân ở Phước Bình vào ban đêm sẽ được phục vụ ẩm thực, văn nghệ, lửa trại, xem đánh mả la…Đây là dịch vụ mới, hứa hẹn tạo nên sự hấp dẫn cho du khách khi đến Phước Bình. Ngoài việc tham quan thiên nhiên núi rừng, trải nghiệm các đặc sản địa phương, nhiều du khách còn đăng ký dịch Tour Trekking Vườn Quốc Gia Phước Bình – Vườn Thực Vật – Suối Gia Nhong – Thác Ba Tầng – Đá Bàn Lớn – Suối Gia Non cắm trại 2 ngày 1 đêm với hành trình băng rừng, băng suối, quý khách sẽ gặp được nhiều loại cây, trái thú vị từ rừng cây lá kim, rừng thường xanh, rừng khộp, trảng cỏ…để lại nhiều ấn tượng và kỷ niệm đẹp trong lòng mỗi du khách khi đến tham, nghỉ dưỡng tại huyện miền núi Bác Ái.
Ngọc Diệp-Kha Hân