Xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững mạnh; chủ động, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới

Thực hiện Chỉ thị 59 ngày 15-2-2000 của Bộ Chính trị BCH TW khóa VIII về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội nông dân Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”, Hội Nông dân tỉnh tổ chức triển khai sâu rộng trong các cấp Hội và hội viên, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động, tích cực tham gia các phong trào nông dân thi đua phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

(NTO) Để hoạt động Hội ngày càng đi vào chiều sâu, Hội luôn đổi mới nội dung hoạt động, đa dạng hoá các hình thức tập hợp hội viên; giáo dục truyền thống cách mạng của giai cấp nông dân Việt Nam; phát huy nội lực, ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, đoàn kết hợp tác, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của địa phương.

Về công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội và nâng cao chất lượng hoạt động, tổ chức Hội các cấp gắn việc củng cố với nâng cao số lượng và chất lượng hội viên. Bình quân hàng năm Hội phát triển trên 3.500 hội viên mới, nâng tổng số toàn tỉnh lên 66.532 hội viên, đạt 88,65% so với hộ nông nghiệp.

Hộ ông Phạm Viết Mộc, xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn đầu tư phát triển kinh tế vườn
cho thu nhập cao. Ảnh: Văn Miên

Hàng năm, Hội tổ chức phát động 3 phong trào thi đua do Trung ương Hội phát động như: Phong trào nông dân thi đua sản xuất-kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng; Phong trào nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới và Phong trào nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh gắn với thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và các phong trào thi đua yêu nước… Thông qua các phong trào đã lôi cuốn, thu hút hội viên nông dân tham gia phát triển kinh tế, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ KHKT, thực hiện hiệu quả các mô hình sản xuất mới… Chương trình “liên kết 4 nhà”, nhằm khai thác có hiệu quả về lao động, đất đai, các mô hình làng nghề truyền thống. Hội đã chủ động ký kết Chương trình liên tịch với các sở, ban, ngành tạo điều kiện cho Hội hoạt động có hiệu quả. Các chương trình dự án giúp hội viên nông dân vay vốn với tổng dư nợ đạt gần 400 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất, mở rộng các ngành nghề, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập; cải thiện đời sống và xây dựng nông thôn mới gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”. Hội đã trực tiếp đào tạo 74 lớp/2.152 lao động và phối hợp dạy nghề cho hàng ngàn lao động nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, thu nhập ổn định, tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, thực hiện tốt kế hoạch hoá gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản; xây dựng Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” kịp thời trợ giúp pháp lý, hòa giải, giải quyết tranh chấp về các lĩnh vực quản lý hành chính, đất đai, nhà ở,.. ngay tại cơ sở, không để khiếu kiện kéo dài, vượt cấp. Các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tham gia xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền; nhiều cán bộ hội viên đã được tín nhiệm bầu vào các vị trí quan trọng trong bộ máy quản lý nhà nước.

Mô hình nuôi cá ghép của hộ ông Bùi Diễn thôn Gò Sạn, xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc
mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Văn Miên

Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 59 của Bộ Chính trị, trong những năm tiếp theo, gắn với việc triển khai thực hiện Kết luận 61 của Ban Bí thư và Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ, Hội Nông dân tỉnh đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, các cấp Hội tiếp tục chủ động tham mưu cho các cấp uỷ Đảng tăng cuờng sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Chỉ thị 59 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; Kết luận số 61 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020” cho cán bộ, đảng viên, hội viên nông dân nhằm nâng cao nhận thức của các cấp Hội về vai trò lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Hội Nông dân.

Hai là, Hội chủ động, tham mưu thực hiện và phối hợp thực hiện có hiệu quả Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020”; xây dựng chương trình phối hợp hoạt động thực hiện Nghị quyết 02 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XII “Về tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới đến năm 2020”.

Ba là, Tham mưu tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định 17 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 38 của Chủ tịch UBND tỉnh về các cấp chính quyền tạo điều kiện để Hội Nông dân hoạt động có hiệu quả, trở thành chỗ dựa triển khai, thực hiện các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của Nhà nước ở nông thôn và tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân”.