Tăng cường phòng, chống dịch bệnh mùa mưa

Thời gian qua, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tốt. Hiện ngành y tế tiếp tục tăng cường các giải pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa mưa, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Ngay từ đầu năm, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống các bệnh truyền nhiễm gây dịch trên địa bàn tỉnh năm 2024. Trên cơ sở đó, xây dựng các kế hoạch chuyên đề cụ thể hóa kế hoạch của tỉnh: Kế hoạch phòng, chống sốt xuất huyết; Kế hoạch phòng, chống sốt rét; Kế hoạch chống dịch bệnh mùa hè... Công tác kiểm soát dịch bệnh được chú trọng thông qua giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các ca bệnh, khoanh vùng, xử lý ổ dịch ngăn chặn không để lây lan thành dịch lớn. Công tác truyền thông được thực hiện thường xuyên bằng nhiều hình thức giúp người dân nâng cao kiến thức phòng bệnh. Sở Y tế cũng đã tham mưu UBND tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát tại các địa phương để bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả theo đúng chỉ đạo của tỉnh. Nhờ đó, dịch bệnh thời gian qua được kiểm soát tốt. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 171 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 156 trường hợp mắc tay chân miệng, 1 trường hợp mắc sốt rét; các bệnh truyền nhiễm khác như: Đậu mùa khỉ, bạch hầu, ho gà chưa ghi nhận trên địa bàn tỉnh.

Người dân huyện Ninh Phước đưa trẻ đi tiêm chủng.

Đồng chí Lê Vũ Chương, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Mặc dù dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhưng hiện nay đang bước vào mùa mưa, thời tiết thay đổi thất thường, cơ thể rất dễ nhiễm bệnh, nhất là đối với trẻ nhỏ. Ngoài ra, học sinh chuẩn bị bước vào năm học mới, nguy cơ các ca bệnh truyền nhiễm lưu hành như: SXH, tay chân miệng... phát triển, có thể bùng phát thành dịch bệnh rất cao. Ngành y tế tiếp tục tăng cường các giải pháp để quản lý, kiểm soát, phòng, chống tốt dịch bệnh.

Ngoài ra, ngành y tế tăng cường giám sát, kiểm tra, phối hợp thông tin, tuyên truyền và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất, hóa chất, thuốc, nhân lực chủ động, sẵn sàng ứng phó với các loại dịch bệnh, đặc biệt chú trọng công tác tiêm chủng. Đồng chí Lê Vũ Chương cho biết thêm: Năm 2023, có sự gián đoạn nguồn cung cấp vắc-xin từ Bộ Y tế. Đầu năm 2024, vắc-xin được cung ứng trở lại. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh ưu tiên tiêm cấp bù, cấp bổ sung cho khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, công tác rà soát, lên danh sách tiêm chủng của ngành đã hoàn tất, sẵn sàng để ngay khi có nguồn cung vắc-xin đầy đủ, sẽ phân bổ kịp thời, nhanh nhất đến các trạm y tế, đảm bảo tiêm đúng lịch và đủ mũi cho các cháu, dự kiến tỷ lệ tiêm chủng của tỉnh 9 tháng năm 2024 đạt 70% và cả năm đạt trên 90%.

Ngoài ra, ngành y tế khuyến cáo người dân chủ động, tích cực thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng: Thực hiện tốt vệ sinh môi trường khu vực sinh sống; diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô... hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng. Trong mùa cao điểm, cần ngủ màn kể cả ban ngày để phòng bệnh sốt xuất huyết. Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nhất là đối với trẻ em. Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước, sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của ngành y tế. Đảm bảo lựa chọn, chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh; ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.

Riêng đối với bệnh ho gà, đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ, lây truyền cao, nhất là đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín lâu dài như hộ gia đình, trường học, do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Bệnh có thể diễn biến nặng, dễ tử vong do bị bội nhiễm, gây biến chứng viêm phổi, nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng. Để phòng bệnh, người dân cần đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hằng ngày. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cho trẻ nghỉ học, cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.