Phước Bình, chuyển mình phát triển
Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi đến thăm xã Phước Bình (Bác Ái), nơi nổi tiếng với bẫy đá Pi Năng Tắc huyền thoại cùng truyền thống anh hùng, bất khuất của bà con Raglai trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Chạy xe dọc tuyến Tỉnh lộ 707, Phước Bình dần hiện lên với màu xanh của tán rừng cổ thụ và vườn cây ăn trái sum suê, bạt ngàn. Các tuyến đường nội thôn được bê tông, nhà cửa xây dựng khang trang, sạch đẹp đã phần nào minh chứng được sự “trù phú”, phát triển của Phước Bình. Đây là thành quả của sự đồng lòng, chung sức, không ngại đổi mới của cả hệ thống chính trị và cộng đồng bà con Raglai trong phát triển kinh tế - xã hội. Nếu trước đây, Phước Bình là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, tập quán sản xuất nông nghiệp lạc hậu nên người dân quanh năm vất vả với cái nghèo và đói giáp hạt; thì ngày nay, Phước Bình đang tự hào là xã có tỷ lệ hộ nghèo thấp của huyện với 23,93%. Đồng chí Katơr Thị Gái, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Bình chia sẻ: Đòn bẩy giúp kinh tế địa phương phát triển ngoài sự đầu tư, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, các chương trình mục tiêu quốc gia thì phải nhắc đến sự chủ động của người dân địa phương trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng như ý chí vươn lên làm kinh tế, giảm nghèo. Nhờ chuyển đổi các loại cây trồng ngắn ngày sang cây ăn quả, mà thu nhập của nông dân được tăng lên đáng kể. Nhiều mô hình nông nghiệp mới, hiện đại đã giúp cho nhân dân địa phương làm giàu chính đáng trên vùng đất quê hương, từ đó, diện mạo nông thôn trở nên khang trang hơn hẳn. Đến nay, Phước Bình đã nhân rộng diện tích trồng bưởi da xanh gần 200ha, 50ha sầu riêng, 700ha chuối... Ngoài nâng cao sản lượng cho những sản phẩm nông nghiệp của địa phương, nông dân tại đây còn linh hoạt đẩy mạnh nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, xây dựng giá trị thương hiệu cho chính những sản phẩm mình làm ra. Nhờ vậy, nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến và tin tưởng sử dụng những sản phẩm đặc thù của địa phương như: Nấm linh chi, bưởi da xanh, chuối hột mồ côi.
Mô hình trồng bưởi da xanh theo hướng VietGAP của nông dân xã Phước Bình được cấp mã số vùng trồng. Ảnh: K.Hân
Tận dụng lợi thế về phong cảnh thiên nhiên cùng văn hóa đặc trưng của đồng bào Raglai, những năm gần đây, du lịch Phước Bình đang có những bước tiến nhanh và bền vững, bình quân mỗi năm Phước Bình đón khoảng từ 8-10 nghìn lượt du khách về tham quan trải nghiệm. Hiện nay, toàn xã đã có 15 hộ đầu tư nhà sàn, gắn với vườn cây ăn quả; hình thành 3 đội văn nghệ dân gian thường xuyên biểu diễn phục vụ du khách. Nhiều loại hình du lịch, tour, tuyến hấp dẫn được địa phương, người dân triển khai thực hiện bài bản đã góp phần khẳng định thương hiệu Phước Bình trên “bản đồ” du lịch trong nước và quốc tế.
Vĩnh Hải, bứt phá vươn lên
Là căn cứ cách mạng CK19, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) nằm cách trung tâm huyện gần 30km về hướng Đông Bắc. Toàn xã hiện có 5 thôn, với 2.116 hộ, 7.709 nhân khẩu. Từ ngày đất nước thống nhất, nhân dân xã Vĩnh Hải tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, chung sức, bứt phá vươn lên xây dựng quê hương. Về sản xuất nông nghiệp, xã tập trung đẩy mạnh phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, vận động người dân đưa vào sản xuất những giống mới cho năng suất và chất lượng cao; chuyển diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang vùng chuyên canh cây màu đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao như: Nho, hành, tỏi, ớt... Đến nay, toàn xã có trên 180ha nho, 35ha cây hành, tỏi cho năng suất cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Với bờ biển dài, đánh bắt hải sản là nghề truyền thống của ngư dân địa phương. Từ chỗ chỉ đánh bắt thủ công, đến nay, ngư dân đã đầu tư tàu thuyền và các trang thiết bị hiện đại phục vụ hiệu quả hoạt động khai thác. Tổng số tàu thuyền toàn xã hiện có 135 chiếc, với tổng công suất 3.536CV, sản lượng khai thác hải sản hằng năm đạt từ 500-600 tấn. Bà con cũng phát triển thêm nuôi trồng thủy sản như tôm hùm lồng, tôm thẻ chân trắng, ốc hương... Đồng thời, được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, xã đã và đang triển khai nhiều hoạt động thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng. Tính riêng trong năm 2023 xã đón trên 180.000 lượt khách, tăng 60.000 lượt khách so với cùng kỳ.
Bên cạnh những kết quả trên, thời gian qua, địa phương cũng làm tốt công tác giảm nghèo, chăm lo an sinh xã hội, qua đó kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3,59%. Nhất là bà con dân tộc Raglai tại hai thôn Cầu Gãy và Đá Hang được Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực đã giúp đời sống, vật chất của bà con ngày một nâng lên. Ngoài chăm lo phát triển kinh tế, bà con nơi đây sống chan hoà với thiên nhiên trong vùng lõi của Vườn quốc gia Núi Chúa. Ông Cao Văn Đen, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Cầu Gãy cho biết: Trong quá khứ, rừng là nơi cưu mang, che chở cho quân đội ta trước sự tấn công của quân địch, còn ngày nay, rừng là “lá phổi xanh” cũng là nơi sinh sống, là nhà của chúng tôi. Hiểu được giá trị này, bà con nỗ lực giữ gìn màu xanh của những tán rừng bằng việc tham gia tổ cộng đồng bảo vệ rừng; tuyên truyền nhau không chặt phá rừng, săn bắt động vật hoang dã... Nhờ vậy, màu xanh quý giá của vườn vẫn giữ được nét hoang sơ, độc đáo, xứng đáng là khu dự trữ sinh quyển của thế giới.
Với truyền thống cách mạng được hun đúc và lưu giữ sau bao thế hệ, đây chính là nền tảng, động lực để các địa phương và tầng lớp nhân dân tiếp tục có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển tỉnh ngày một giàu đẹp và văn minh.
Lê Thi