Quan tâm, giúp đỡ trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng

Toàn tỉnh hiện có 1.176 trẻ em khuyết tật (TEKT), trong đó có 196 TEKT từ 0 đến 5 tuổi; 440 TEKT từ 6 đến 11 tuổi và 540 TEKT từ 12 đến dưới 16 tuổi. Nhằm trợ giúp TEKT, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền cùng các tổ chức chính trị- xã hội đã quan tâm, triển khai nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe, đời sống cho các em. Nhờ vậy, các em được học tập, giáo dục kỹ năng sống, phục hồi chức năng, từng bước xóa bỏ đi mặc cảm và tự tin hòa nhập với cộng đồng.

Từ dạy văn hóa...

Bị tự kỷ tăng động, năm 2015, em T.A, phường Bảo An (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) nhập học tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh. Thời điểm nhập học bé chưa biết chỉ tay, chưa có ngôn ngữ, vệ sinh cá nhân đều nhờ người lớn hỗ trợ. Sau thời gian học ở Trung tâm, đến nay, em hoạt bát, nhanh nhẹn chơi với bạn, có thể tự tô màu, viết chữ cái theo mẫu... Tuy nét chữ chưa rõ ràng, tròn trịa nhưng đó chính là nguồn động lực, xua tan những mệt nhọc, giúp các cô giáo tiếp tục cố gắng trên hành trình giáo dục hòa nhập. Sự tiến bộ từng ngày của các em còn là niềm vui, hạnh phúc của ba mẹ các em. Chị Vi, mẹ của em T.A bày tỏ: Sau thời gian học tập, con tôi đã biết thể hiện cảm xúc, nghe hiểu các câu cơ bản; nói được một số từ đơn, tự vệ sinh cá nhân, ăn uống và giúp mẹ dọn đồ đạc, rửa ly chén sau khi sử dụng. Tôi thật sự hạnh phúc và biết ơn các cô giáo đã chăm sóc, dạy dỗ con mình.

Giờ học phát triển khả năng tập trung chú ý trong nhóm của các em tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 3 cơ sở dạy văn hóa, kỹ năng sống, phục hồi chức năng cho trên 150 TEKT. Đây thực sự là những “mái ấm” giúp TEKT trên địa bàn tỉnh có cơ hội tiếp cận với giáo dục, chăm sóc sức khỏe, tư vấn tâm lý, phục hồi chức năng, nâng cao khả năng hòa nhập cộng đồng. Mặc dù trong điều kiện nguồn kinh phí còn hạn hẹp, song tất cả các cơ sở đều tạo điều kiện để các em vui chơi, học tập, phát triển trí tuệ, thể chất và tinh thần. Thông qua sự dạy dỗ ân cần của giáo viên, từ những đứa trẻ nhút nhát, tự ti đến nay các em đã mạnh dạn hơn trong giao tiếp, biết thể hiện cảm xúc của mình. Nhiều em còn biết chữ, viết được tên của mình, hát, phân biệt màu sắc và vẽ theo mẫu. Các em còn biết tự chăm sóc bản thân, giúp cha mẹ việc nhà. Đặc biệt, nhiều em khiếm thính đã viết được đoạn văn ngắn nhờ nhìn khẩu hình miệng của cô giáo. Bằng những nỗ lực của các đơn vị, hằng năm đều hỗ trợ, giúp đỡ cho hàng chục TEKT hòa nhập học tập tại các trường tiểu học trên toàn tỉnh.

...Đến định hướng, dạy nghề cho trẻ khuyết tật

Với mong muốn sau này các em sẽ tự chăm lo cho cuộc sống, không phải phụ thuộc vào người thân và xã hội, ngoài việc dạy đọc, làm toán thì giáo viên còn lồng ghép các kỹ năng gắn với đời sống sinh hoạt hằng ngày, giúp học sinh tăng khả năng tự chăm sóc bản thân khi cần thiết... Đặc biệt, các trường còn quan tâm việc định hướng, dạy nghề cho TEKT. Tiêu biểu, từ năm 2023 đến nay, Trường Giáo dục chuyên biệt Tương lai phối hợp với cơ sở đào tạo nghề gội đầu, massage, làm nail gắn với giải quyết việc làm cho các em khiếm thính. Là người trực tiếp “đứng lớp” dạy nghề cho các em, chị Huỳnh Thị Tuyết Trâm, phường Phủ Hà (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), chia sẻ: Dạy nghề cho TEKT rất khó, đòi hỏi tôi phải nỗ lực gấp nhiều lần, hướng dẫn từ từ, “cầm tay chỉ việc” cho các em. Dẫu công việc vất vả hơn so với những lớp nghề khác, nhưng thấy các em ham học, tôi rất vui. Đến nay đa số các em đã tự thực hành thuần thục những bước cơ bản về gội đầu. Trong tương lai tôi sẽ tiếp tục định hướng, hỗ trợ giới thiệu việc làm giúp các em.

Cô giáo Nguyễn Thị Loan, Hiệu trưởng Trường Giáo dục chuyên biệt Tương Lai bày tỏ: Dạy nghề là một trong những giải pháp căn cơ, tạo cơ hội cho TEKT được hòa nhập với cộng đồng, tham gia lao động, cống hiến. Mong rằng trên con đường hòa nhập cộng đồng của TEKT có nhiều hơn nữa sự chung tay của các cơ quan, ban, ngành, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong việc thay đổi góc nhìn về lao động khuyết tật, mang tới những cơ hội việc làm ổn định phù hợp cho các em trong tương lai. Ngoài việc dạy nghề, hướng nghiệp cho học sinh, các cô giáo thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ, tạo sân chơi lành mạnh giúp các em tự tin hơn khi giao tiếp.

Để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho trẻ khuyết tật, hằng năm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị, địa phương thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách bảo trợ xã hội cho TEKT. Các chính sách được thực hiện nhanh chóng, chính xác và cấp giấy xác nhận cho TEKT theo đúng quy định. Bên cạnh đó, các đơn vị phối hợp triển khai các chương trình chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng và tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ và người chăm sóc TEKT... Đồng thời, vận động các tổ chức, nhà hảo tâm thăm hỏi, tặng quà, xe lăn... vào các dịp lễ, tết, Ngày Người khuyết tật (18/4), Ngày quốc tế thiếu nhi (1/6) cho TEKT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhằm động viên các em có thêm ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Với sự quan tâm của các cấp, ngành, đoàn thể và xã hội đối với công tác chăm sóc TEKT, thời gian qua đã có nhiều TEKT được tạo điều kiện thụ hưởng chăm sóc sức khỏe, can thiệp phẫu thuật, giáo dục,... có cơ hội vươn lên hòa nhập cộng đồng, phát triển bình thường trở lại, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.