Triển khai kế hoạch bảo vệ môi trường giai đoạn 2025-2027

Trong thời gian qua, công tác quản lý môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) đã được UBND tỉnh tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả, các chỉ tiêu, kế hoạch bảo vệ môi trường (BVMT) như: Độ che phủ rừng, tỷ lệ hộ gia đình có công trình vệ sinh hợp vệ sinh, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được cấp nước sạch, tỷ lệ rác thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp nguy hại, chất thải y tế được thu gom và xử lý,... đã được UBND tỉnh đưa vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời, lồng ghép BVMT, ứng phó với BĐKH vào các quy hoạch, kế hoạch của các ngành để thực hiện, quản lý.

Nhờ triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, kết quả năm 2023, tỷ lệ số hộ dân nông thôn được cấp nước sạch hợp vệ sinh đạt 99,7%. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn Bộ Y tế 97,5%. Tỷ lệ các khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 47,25%. Dự kiến trong năm 2024, tỷ lệ số hộ dân nông thôn được cấp nước sạch hợp vệ sinh đạt 99,7%. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn Bộ Y tế đạt 100%. Tỷ lệ các khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 48,14%.

Các thành viên nhóm Greening Ninh Thuận tham gia trồng cây xanh bảo vệ môi trường tại phường Mỹ Đông (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Ảnh: M.Dung

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý môi trường, ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh, ngày 18/7/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3252/KH-UBND về BVMT tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 3 năm 2025-2027. Theo đó, qua tổng hợp nhu cầu kinh phí sự nghiệp môi trường giai đoạn 3 năm 2025-2027, tỉnh cần khoảng 517.141 triệu đồng triển khai thực hiện 30 nhiệm vụ quản lý nhà nước về BVMT. Cụ thể, trong năm 2025, tỉnh cần khoảng 171.096 triệu đồng để triển khai thực hiện 30 nhiệm vụ quản lý nhà nước về BVMT thuộc các lĩnh vực như: Lập và tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động về bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Ninh Thuận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; lập và tổ chức thực hiện Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2030; lập Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí; lập báo cáo hiện trạng môi trường 5 năm, giai đoạn 2021-2025; đầu tư đặt các trạm quan trắc tự động, liên tục để quan trắc chất lượng môi trường không khí và nước mặt; đầu tư xây dựng mới, sửa chữa công trình xử lý nước thải tập trung; quan trắc định kỳ các thành phần môi trường; phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt sau phân loại; kiểm tra, thanh tra, giám sát về BVMT, ứng phó BĐKH; xác minh, xử lý phản ảnh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về BVMT; triển khai thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về BVMT theo quy định tại các văn bản pháp luật về môi trường; phòng ngừa và ứng phó các sự cố về môi trường; duy trì hoạt động của các Tổ cộng đồng giám sát hoạt động xả thải vào môi trường; duy trì phần mềm tiếp nhận, quản lý kết quả quan trắc tự động liên tục; phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; nghiên cứu, đánh giá tác động của các dự án năng lượng tái tạo đối với BĐKH của tỉnh trong giai đoạn tới...

Đối với giai đoạn từ năm 2026-2027, tỉnh cần khoảng 346.045 triệu đồng để triển khai thực hiện 25 nhiệm vụ quản lý nhà nước về BVMT thuộc các lĩnh vực: Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí; đầu tư lắp đặt các trạm quan trắc tự động chất lượng môi trường; đầu tư xây dựng mới, sửa chữa công trình xử lý nước thải tập trung; quan trắc định kỳ các thành phần môi trường; phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt sau phân loại; kiểm tra, thanh tra, giám sát về BVMT, ứng phó BĐKH; xác minh, xử lý phản ảnh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về BVMT; triển khai thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về BVMT theo quy định tại các văn bản pháp luật về môi trường; phòng ngừa và ứng phó các sự cố về môi trường; duy trì hoạt động của các Tổ cộng đồng giám sát hoạt động xả thải vào môi trường; duy trì phần mềm tiếp nhận, quản lý kết quả quan trắc tự động liên tục; phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn...

Theo UBND tỉnh, trong điều kiện ngân sách của tỉnh còn khó khăn, kinh phí sự nghiệp môi trường hằng năm chỉ đủ giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc tại địa phương và không đủ để triển khai thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án ưu tiên về BVMT Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tỉnh ủy giao đúng thời hạn. Vì vậy, UBND tỉnh kính đề nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm hỗ trợ kinh phí để tỉnh tổ chức thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, đề án, dự án về BVMT đúng tiến độ. Đồng thời, tạo điều kiện để tỉnh được tiếp nhận các chương trình, dự án đầu tư về BVMT trong nước và quốc tế về các lĩnh vực như: Quản lý và kiểm soát các loại chất thải sinh hoạt đô thị và nông thôn, công nghiệp, nguy hại, khí nhà kính, rác thải nhựa đại dương. Phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; đầu tư các công trình xử lý nước thải tại các đô thị, khu dân cư tập trung ở khu vực nông thôn. Tăng cường năng lực quan trắc môi trường, kiểm soát chất lượng môi trường xung quanh để quản lý, đánh giá, cảnh báo dự báo các diễn biến và xu hướng ô nhiễm môi trường trong ngắn hạn và dài hạn để đề xuất giải pháp quản lý phù hợp; tổ chức đánh giá và ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường. Đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do BĐKH đối với các khu vực. Xây dựng và tổ chức thực hiện việc giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với BĐKH.