Thúc đẩy các phong trào chăm lo trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho trẻ em (TE), nhất là TE vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là một nhiệm vụ quan trọng luôn được các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Với nhiều hoạt động, phong trào thiết thực, TE ở vùng DTTS trong tỉnh đã được chăm sóc chu đáo, tạo mọi cơ hội để phát triển toàn diện.

Với mục tiêu nhằm trang bị cho TE vùng DTTS nhiều kiến thức, kỹ năng để thúc đẩy các em nói lên tiếng nói của mình, thay đổi cách nghĩ, cách học, cách làm và góp phần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu, Hội LHPN tỉnh đã thành lập và ra mắt 14 Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại 14 trường học tại huyện Bác Ái, Thuận Bắc và Thuận Nam. Đây là mô hình thuộc Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và TE” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được Trung ương Hội LHPN Việt Nam chủ trì thực hiện. Qua một năm hoạt động, CLB mang lại những tín hiệu tích cực trong sự chung tay, phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, địa phương, cha mẹ trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục TE và giải quyết các vấn đề cấp thiết liên quan đến TE.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức ra mắt Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”
tại Trường THCS, THPT Bác Ái.

Trường THCS, THPT Bác Ái được Hội LHPN tỉnh chọn làm điểm triển khai CLB vào tháng 9/2023 với 30 thành viên là các em học sinh cả nữ lẫn nam. Trong quá trình triển khai, Ban giám hiệu nhà trường, đội ngũ giáo viên tạo môi trường thuận lợi nhất để các thành viên CLB sinh hoạt định kỳ mỗi tuần một lần. Những nội dung được đề cập tập trung đến các vấn đề gắn liền với thực tế địa phương như: Phòng, chống tảo hôn, xâm hại, bạo lực; các vấn đề về bình đẳng giới; sức khỏe sinh sản... thông qua các hoạt động như: Thảo luận nhóm, đóng kịch, kể chuyện, vẽ tranh. Cô giáo Nguyễn Thị Hiền, dẫn trình viên CLB nhà trường cho biết: Nhằm đưa CLB đi vào thực chất, nhà trường luôn định hướng xây dựng các chủ đề, chủ điểm sinh hoạt CLB bài bản, sinh động, phù hợp lứa tuổi để tạo sự hứng thú tham gia cho các em. Nhờ vậy, các thành viên CLB đã phát huy vai trò, trách nhiệm trở thành những “tuyên truyền viên” tích cực trong nhà trường, cộng đồng để truyền thông rộng rãi các nội dung liên quan đến các vấn đề được tiếp cận. Nhằm duy trì hiệu quả CLB vào dịp hè, nhà trường phối hợp chặt chẽ đoàn thanh niên địa phương tiếp tục có những hoạt động ý nghĩa tại cơ sở, tạo sân chơi, sinh hoạt cho các thành viên CLB và thanh thiếu niên vùng DTTS.

Không chỉ thầy cô thấy rõ những chuyển biến tích cực về nhận thức của các thành viên, học sinh mà các em cũng cảm thấy được điều này. Em Pi Năng Thị Kim cho biết: Trước đây, em ít quan tâm đến việc tảo hôn đang diễn ra tại thôn, xóm mình, nhưng sau khi tham gia CLB, em hiểu được những tác hại và hệ lụy để lại cho gia đình và xã hội. Do đó, em thấy mình cần hành động dù là việc làm rất nhỏ. Cụ thể, em luôn tự nhắc nhở phải cố gắng nỗ lực trong học tập, rèn luyện để có tương lai tốt hơn. Ngoài ra, em cũng chia sẻ nhiều hơn với các bạn bè đồng trang lứa, các em trong gia đình để biết rõ hơn những tác hại của tảo hôn để ngăn chặn và đẩy lùi.

Đồng chí Phan Thị Ngân Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Từ thực tiễn triển khai, CLB đã tạo nên một sân chơi, một diễn đàn thực sự bổ ích dành cho TE, là nơi để các em tổ chức, giao lưu, các hoạt động vui chơi giải trí phù hợp ngoài các buổi học chính khóa tại trường. Từ đây giúp các em mạnh dạn, tự tin hơn trong học tập, sinh hoạt, tiên phong đổi mới, sáng tạo, thay đổi những định kiến ở vùng DTTS đúng như tên CLB đặt ra. Với những hiệu quả mang lại, thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động CLB và triển khai cuộc thi “Thủ lĩnh tài năng” để tiếp tục có những giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng và tính lan tỏa của CLB.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh quan tâm, thực hiện các hoạt động chăm lo TE vùng DTTS như tổ chức triển khai chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, “Mẹ đỡ đầu”, trao học bổng Nguyễn Thị Định và các hoạt động thăm, tặng quà các trường hợp TE khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo vùng DTTS nhân các dịp lễ, tết như: Quốc tế thiếu nhi, trung thu, đầu năm học mới. Qua đó, để các TE vùng đồng bào DTTS có thêm nhiều cơ hội để phát triển trong môi trường lành mạnh, an toàn, trở thành những chủ nhân tương lai của quê hương, đất nước.