Đầu tư xây dựng hạ tầng, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ

Với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thời gian qua lĩnh vực thương mại (TM), dịch vụ (DV) đã mang lại hiệu quả cao, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Trong quy hoạch phát triển của tỉnh thời kỳ 2021-2030, Ninh Thuận đang tiếp tục hoàn thiện hạ tầng và sẽ có bước phát triển toàn diện trong tương lai.

Phát triển theo hướng hiện đại

Trong 5 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu DV tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đạt hơn 17.590 tỷ đồng, tăng 14,23% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt hơn 13.474 tỷ đồng, tăng 13,62%; doanh thu ngành DV lưu trú, ăn uống đạt hơn 2.638 tỷ đồng, tăng 17,61%; doanh thu du lịch (DL) lữ hành đạt gần 7 tỷ đồng, tăng 18,06%; doanh thu các ngành DV khác đạt hơn 1.472 tỷ đồng, tăng 13,86% so với cùng kỳ. Để có được những kết quả khả quan trên, Ninh Thuận luôn chú trọng đến công tác quy hoạch TM, DV nhằm đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Trong đó, tập trung nguồn lực để phát triển các ngành DV nhanh, hiệu quả, bền vững, đảm bảo các DV cơ bản với chất lượng ngày càng cao, phục vụ phát triển KT-XH và coi đây là một ngành kinh tế quan trọng trong nền kinh tế tỉnh.

Người tiêu dùng mua sắm tại Siêu thị Co.opmart Thanh Hà. Ảnh: Hồng Nguyệt

Nhằm định hướng phát triển hệ thống hạ tầng TM trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai các giải pháp, kế hoạch để phát triển hạ tầng TM trên địa bàn theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết hợp hài hòa giữa TM truyền thống với TM điện tử; đảm bảo phù hợp với trình độ phát triển của thị trường trên từng địa bàn, khu vực. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 1 trung tâm TM, 5 siêu thị, 103 chợ, 122 cửa hàng xăng dầu và 25 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa khu vực sản xuất và TM, phát triển thị trường, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh.

Ngoài ra, để thúc đẩy phát triển logistics trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, Sở Công Thương đã tham mưu bổ sung dự án trung tâm logistics Cà Ná tích hợp vào Quy hoạch phát triển KT-XH tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đã được phê duyệt tại Quyết định số 1319/QĐ-TTg ngày 10/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Phát triển 2 kho xăng dầu (kho xăng dầu Ninh Thuận, quy mô 50.000m3, diện tích 5ha; kho xăng dầu Cà Ná, quy mô 50.000m3, diện tích 5ha) tại huyện Thuận Nam theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phát triển thêm 4 trung tâm TM (1 trung tâm TM tại huyện Thuận Nam, 3 trung tâm TM tại Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) và 7 siêu thị trên địa bàn toàn tỉnh. Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở tham gia các hoạt động xúc tiến TM như: Hội chợ, hội nghị giao thương, kết nối cung cầu tại các tỉnh, thành phố trong nước. Hình thành sàn TM điện tử của tỉnh để bán sản phẩm OCOP, đặc thù của tỉnh. Đến nay đã có 90 cơ sở, doanh nghiệp tham gia với 350 sản phẩm trên sàn TM điện tử của tỉnh.

Khai thác lợi thế, phát triển toàn diện thương mại, dịch vụ

Theo Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây, việc phân vùng tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội được xác định rõ: Vùng đô thị trung tâm là Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, là vùng đô thị hóa trọng điểm của tỉnh, có tiềm năng phát triển đô thị, DV, DL. Vùng liên huyện Thuận Bắc - Ninh Hải là vùng cửa ngõ kết nối với tỉnh Khánh Hòa, có tiềm năng phát triển DV, công nghiệp, DL. Vùng liên huyện Ninh Phước - Thuận Nam là vùng kinh tế động lực của tỉnh phát triển trọng tâm là công nghiệp, logistics và cảng biển, năng lượng, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, DL khác biệt, DL trải nghiệm, chất lượng cao. Đối với vùng liên huyện Ninh Sơn - Bác Ái có tiềm năng phát triển nông nghiệp, TM, DV, năng lượng và DL sinh thái, DL văn hóa gắn với khu bảo tồn không gian văn hóa người Raglai. Việc phát triển DV DL tập trung vào các khu vực trọng điểm về DL kết hợp xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Hình thành các khu DL nghỉ dưỡng, chất lượng DV chất lượng cao, hứa hẹn sẽ là điểm đến của du khách trong và ngoài nước trong tương lai.

Trung tâm thương mại Vincom (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) được đầu tư khang trang,
góp phần thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

Phấn đấu đến năm 2030, DL phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng bền vững, đóng góp 15% GRDP toàn tỉnh. DL Ninh Thuận trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh cao so với khu vực và cả nước. Phát triển theo hướng “Bền vững - Chất lượng cao - Độc đáo”; vừa phát triển DL truyền thống, vừa tạo dựng các loại hình mới, độc đáo về khí hậu, khám phá sáng tạo là điểm đến hấp dẫn, khác biệt, có sức cạnh tranh cao đối với các khu vực trong nước và quốc tế.

Đồng chí Trần Quốc Sanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh, cho biết: Việc quy hoạch TM, DV đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân cùng có cơ hội nâng cao thu nhập và thụ hưởng những thành quả của sự phát triển đó nhưng vẫn phát huy giá trị bản sắc văn hóa. Bên cạnh đó, việc phát triển TM, DV được gắn kết chặt chẽ với sản xuất, tạo điều kiện và khuyến khích phát triển hệ thống phân phối hiện đại, phát triển mạng lưới trung tâm TM, siêu thị trên địa bàn tỉnh; phát triển các loại hình DV vận tải, kho bãi, logistics hiện đại, trở thành một trong các ngành DV chủ lực, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ hàng hóa trong và ngoài tỉnh. Đây là tầm nhìn chiến lược và sớm đón bắt cơ hội, khai thác lợi thế riêng có của tỉnh để đưa lĩnh vực DV của Ninh Thuận bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới. Để cụ thể hóa mục tiêu đó, phương án của tỉnh là khuyến khích thu hút đầu tư mở rộng và hiện đại hóa mạng lưới TM, phân phối hàng tiêu dùng, cung cấp các DV tài chính, ngân hàng, hỗ trợ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển TM điện tử. Thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh xây dựng hạ tầng DV tại các khu DL theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đồng bộ. Khai thác thế mạnh của tỉnh, phát triển DL bền vững gắn với phát huy giá trị văn hóa, tự nhiên đặc trưng của địa phương để đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm kết nối về DL cộng đồng, DL văn hóa, tâm linh, DL nghỉ dưỡng cao cấp tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế khác.