Chú trọng đầu tư nâng cấp hạ tầng cảng cá

Nhằm góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu cơ cấu lại ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; trong những năm qua, bên cạnh việc triển khai đồng bộ các giải pháp khai thác, tỉnh tập trung huy động các nguồn lực từng bước đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng các cảng cá.

Toàn tỉnh hiện có 2.309 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên, các hoạt động mua bán, giao thương hàng hóa tập trung chủ yếu tại 4 cảng cá và 3 khu neo đậu tránh trú bão. Trước xu hướng phát triển tàu cá ngày càng lớn; tuy nhiên, khả năng tiếp nhận của các cảng cá trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, nguyên nhân là do hệ thống cảng xây dựng từ lâu đã xuống cấp, hạ tầng công trình thiếu đồng bộ, hệ thống luồng lạch, vũng đậu tàu cạn và hẹp, một số hạng mục đê, kè qua thời gian tiếp xúc với sóng biển bị hư hại. Với định hướng nâng cao năng lực, cải thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 12/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện lồng ghép nhiều chương trình, dự án đầu tư khắc phục hiện trạng cảng cá, khu neo đậu an toàn.

Thi công nâng cấp, mở rộng cảng cá Cà Ná (Thuận Nam).

Cảng cá Đông Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) được đưa vào khai thác từ năm 1996, được xem là trung tâm nghề cá của tỉnh, nơi giao thương trao đổi mua bán sản phẩm sau khai thác, vận chuyển đi các tỉnh. Đến nay, số lượng tàu cá đã tăng lên khoảng 450 chiếc, nhiều tàu có công suất từ 300-400 CV, do đó dẫn đến tình trạng quá tải, gây khó khăn cho phương tiện ra vào cập cảng. Bên cạnh đó, các hệ thống cơ sở hạ tầng hiện hữu xuống cấp trầm trọng. Ông Trần Công Thắng, chủ tàu cá tại địa phương, cho biết: Gia đình tôi có 2 chiếc tàu, mỗi tàu có công suất hơn 800CV, mỗi chuyến biển đánh bắt về gặp rất nhiều khó khăn trong việc cập bến tiêu thụ sản phẩm; nhiều chuyến phải bỏ neo ngoài xa, chờ thủy triều lên hoặc đưa thuyền nhỏ ra vận chuyển vào bến, tốn khá nhiều chi phí. Tôi mong rằng, Nhà nước sớm đầu tư, nhất là hệ thống luồng lạch để tàu thuyền ra vào cảng thuận lợi, ngư dân yên tâm vươn khơi.

Để khắc phục tình trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tham mưu UBND tỉnh chấp thuận chủ trương và bố trí kinh phí 9,3 tỷ đồng để sửa chữa các công trình cấp thiết tại cảng như: Hệ thống thu gom nước thải, nhà máy xử lý nước thải, nâng cấp cầu cảng, đường nội bộ, lắp đặt mái che. Riêng hạng mục nạo vét tuyến luồng, vũng đậu tàu và khu neo đậu tránh trú bão được triển khai theo hình thức xã hội hóa đang hoàn thiện thủ tục pháp lý để triển khai thi công trong năm nay. Đồng thời, đề xuất đưa cảng cá Đông Hải vào danh mục dự án chuẩn bị đầu tư cho giai đoạn kế hoạch trung hạn 2026-2030, với tổng kinh phí 204 tỷ đồng.

Thời gian qua, được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, các công trình cảng cá hiện hữu và xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm đầu tư. Điển hình như dự án khu neo đậu tránh trú bão cửa Sông Cái, tiểu dự án nâng cấp cảng Ninh Chữ (Ninh Hải) và cảng Cà Ná (Thuận Nam) thuộc dự án nguồn lợi ven biển vì sự nghiệp phát triển bền vững. Đặc biệt, ngư dân trong tỉnh cũng đón nhận tin vui khi mới đây Bộ NN&PTNT phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Cà Ná, với kinh phí 214 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT làm chủ đầu tư. Theo đó, ngoài cảng cũ dài 200m có sẵn, sau khi nâng cấp sẽ xây thêm cảng mới dài 150m, 2 tuyến kè có chiều dài khoảng 1km, đảm bảo cho 1.200 tàu cá vào tránh trú khi có bão. Ông Nguyễn Văn Rõ, Trưởng Ban Quản lý cảng cá Cà Ná, phấn khởi: Hiện nay việc nâng cấp, mở rộng cảng cá đang đẩy nhanh tiến độ thi công; sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng tốt nhu cầu hoạt động của cảng, nâng cao sản lượng khai thác hằng năm, tạo điều kiện giải quyết việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho ngư dân vùng biển.

Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Trên cơ sở đánh giá hiện trạng các cảng cá trên địa bàn tỉnh, ngành tập trung xây dựng mục tiêu trước mắt và lâu dài. Theo đó, tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp sửa chữa các công trình hạ tầng cảng cá hiện hữu, nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ hoạt động tại cảng; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hạng mục nạo vét để tàu thuyền ra vào cảng thuận lợi. Cùng với đó, chú trọng nâng cấp cảng cá Đông Hải đạt loại II theo lộ trình đề ra, thúc đẩy ngành thủy sản phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.