Dự án môi trường bền vững Tp. Phan Rang - Tháp Chàm bắt đầu triển khai từ năm 2017, với tổng vốn 97,9 triệu USD (tương đương 2.253 tỷ đồng), trong đó vốn ODA 69,5 triệu USD (1.599 tỷ đồng) và vốn đối ứng 28,4 triệu USD (653,5 tỷ đồng). Dự án được chia thành 2 giai đoạn triển khai (giai đoạn 30% và giai đoạn 70%) với tổng cộng 48 gói thầu (13 gói xây lắp dùng vốn ODA và 35 gói thầu tư vấn). Trong đó, hiện đã hoàn thành 26/35 gói thầu tư vấn và hoàn thành 6/13 gói thầu xây lắp bao gồm: Công trình nhà vệ sinh công cộng và trường học; kênh Chà Là - kênh TH5 và kênh Nhị Phước; khu tái định cư Phan Đăng Lưu, Hẻm 150 đường 21 Tháng 8; kênh Đông Nam; đường Huỳnh Thúc Kháng. Hiện đã bàn giao cho Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đưa vào sử dụng 3/6 gói thầu. Với sự nỗ lực và quyết tâm cao vào những ngày đầu tháng 6, dự án đã có thêm 3 gói thầu được hoàn thành, gồm các gói thầu kênh Tấn Tài, Hồ điều hòa trung tâm - hồ Đông Hải và tuyến cống thoát nước, thu gom nước thải. Hiện chỉ có 4 gói thầu còn lại các dự án thuộc gói thầu thuộc tuyến kênh Tấn Tài và kênh Nhị Phước đã đạt khối lượng trên 90% và nhà máy xử lý nước thải, tiến độ đạt trên 97% đang khẩn trương thi công, đảm bảo mục tiêu kết thúc trước ngày đóng dự án.
Kênh Chà Là được bê tông tạo cảnh quan, không gian sạch đẹp và giao thông đô thị thêm thuận lợi. Ảnh: T.D
Hiện nay các nhà thầu đang tốc lực, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công một số hạng mục còn lại thuộc gói thầu kênh Tấn Tài để đảm bảo hoàn thành đúng hạn. Các đơn vị liên quan cũng đang phối hợp xây dựng phương án vận hành và bảo dưỡng, đảm bảo các công trình sau khi hoàn thành phát huy hiệu quả sử dụng lâu dài. Đối với công tác vận động người dân đấu nối nước thải, UBND thành phố đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và vận động người dân tham gia đấu nối. Hiện đã đạt 12.383 đấu nối/10.425 đấu nối kế hoạch điều chỉnh đã được duyệt (vượt kế hoạch đề ra), tỷ lệ đấu nối nước thải đạt 80%.
Theo Ban Xây dựng năng lực và thực hiện các dự án ODA ngành nước (đơn vị chủ đầu tư), với sự đầu tư bài bản, Dự án môi trường bền vững Tp. Phan Rang - Tháp Chàm khi hoàn thành sẽ cải thiện đáng kể hạ tầng hệ thống kênh mương, cống thoát nước, giúp giảm thiểu tình trạng ngập úng, đảm bảo vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị. Công trình nhà máy xử lý nước thải hiện đại với công suất 7.500m³/ngày đêm đi vào hoạt động sẽ nâng cao năng lực xử lý nước thải, góp phần bảo vệ nguồn nước và môi trường sống. Dự án cũng sẽ hoàn thiện các tuyến đường bê tông, hệ thống cây xanh, điện chiếu sáng dọc các tuyến kênh, qua đó tạo cảnh quan đẹp và góp phần cải thiện chất lượng không khí. Bên cạnh việc đầu tư các gói thầu xây lắp, dự án cũng nâng cao nhận thức của người dân bằng các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường, góp phần thay đổi thói quen và hành vi của người dân.
Ông Nguyễn Quang Vinh, chuyên gia cao cấp về nước và vệ sinh môi trường, Trưởng đoàn công tác Ngân hàng Thế giới cho biết: Những phần việc còn lại khá lớn, với nhiều hạng mục về điện, tạo cảnh quan, vệ sinh; để hoàn thiện cần có sự phối hợp chặt chẽ, giám sát chỉ đạo chạy bù tiến độ để hoàn thành tổng thể dự án theo yêu cầu, kịp hoàn thành trước mốc 30/6. Bên cạnh đó cũng phải chuẩn bị các thủ tục nghiệm thu, hoàn thành bàn giao cho đơn vị quản lý tài sản từ dự án. Qua sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, cùng sự vào cuộc tích cực, quyết tâm cao của các đơn vị, địa phương liên quan, thực tế dự án đã có nhiều chuyển biến nhanh, tích cực, nhất là ở giai đoạn nước rút với nhiều kỳ vọng tốt đẹp về dự án môi trường bền vững được đầu tư từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới.
Phát biểu tại buổi làm việc với đoàn công tác Ngân hàng Thế giới mới đây, đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh đang chỉ đạo các cơ quan chức năng và chủ đầu tư dự án nỗ lực hết sức trong thời gian còn lại để triển khai dự án một cách tốt nhất. Chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành đầy đủ các thủ tục, hồ sơ pháp lý liên quan và rút vốn theo đúng quy định, tiến độ yêu cầu. Về công tác vận hành và bảo dưỡng công trình sau đầu tư, vấn đề rác thải, tỉnh sẽ quan tâm chỉ đạo chính quyền địa phương quản lý tốt công trình, đảm bảo duy trì hiệu quả tốt hơn nữa, cần thiết sẽ áp dụng các biện pháp chế tài xử phạt các vi phạm xả rác xuống kênh, hồ đảm bảo các công trình đạt hiệu quả, công năng sử dụng và tính mỹ quan đô thị. Tỉnh cũng sẽ chỉ đạo UBND Tp. Phan Rang - Tháp Chàm - đơn vị nhận tiếp quản các công trình dự án thực hiện vận hành bảo dưỡng các công trình hiệu quả, theo hướng phát triển bền vững. Chỉ đạo chủ đầu tư và nhà thầu đề xuất biện pháp phù hợp để đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm hướng đến mục tiêu hoàn thành trước ngày đóng dự án 30/6/2024; tiếp tục quan tâm và giải quyết dứt điểm kịp thời theo đúng quy định đối với công tác chi trả kinh phí đối với 3 hộ dân đã giao mặt bằng nhưng đang có tranh chấp nội bộ trong gia đình và giữa các hộ dân nên chưa nhận tiền bồi thường. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân đấu nối nước thải; phấn đầu hoàn thành mục tiêu theo kế hoạch của dự án, đến năm 2030 có 15.500 đấu nối. Hiện nay UBND tỉnh và UBND Tp. Phan Rang - Tháp Chàm tiếp tục quan tâm bố trí kinh phí, chỉ đạo các trường học, y tế, công trình công cộng, các nguồn thải lớn thực hiện thủ tục đấu nối đảm bảo có đủ nước thải để vận hành nhà máy xử lý nước thải hiệu quả trong thời gian đến. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan bám sát, làm việc với các bộ, ngành trung ương để sớm xem xét thẩm định, có ý kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đảm bảo kịp thời, làm cơ sở bố trí vốn đối ứng năm 2024 cho dự án để thanh toán cho các nhà thầu và đóng dự án.
|
Ông Ahmed Eiweida, Trưởng nhóm phát triển bền vững, thành viên đoàn công tác Ngân hàng Thế giới:
Dự án môi trường bền vững Tp. Phan Rang - Tháp Chàm là một trong 4 dự án tại các thành phố duyên hải; khi hoàn thành sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo, cảnh quan môi trường rất nhiều đối với địa phương vùng dự án. Thay thế những kênh hở, thường có mùi hôi, nhiều rác thải bằng những hệ thống kênh kín thu gom nước thải, có đường đi, hệ thống cây xanh, điện chiếu sáng ban đêm để người dân sinh hoạt thuận lợi, an toàn. Qua kiểm tra thực tế và làm việc với các đơn vị, địa phương liên quan, tôi hoàn toàn tin tưởng dự án này sẽ hoàn thành tất cả các hạng mục trước thời điểm đóng dự án và điều đáng tự hào là Ninh Thuận một trong những tỉnh sử dụng vốn vay thực hiện dự án này hiệu quả cao nhất.
Ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Ban Xây dựng năng lực và thực hiện các dự án ODA ngành nước:
Xác định ý nghĩa tầm quan trọng của dự án, chúng tôi đã khắc phục khó khăn về điều kiện, thời gian thi công, sử dụng nhiều giải pháp thi công hiện đại để chạy đua với thời gian hoàn thành dự án. Có thời điểm tiến độ giải ngân đạt 100 tỷ đồng/tháng, làm đến đâu vệ sinh sạch sẽ, dứt điểm đến đó. Trong thời gian còn lại để hoàn thành dự án không nhiều, chúng tôi sẽ tăng cường giám sát, đôn đốc các nhà thầu thi công 3 ca, 4 kíp vào cả ban đêm để bù tiến độ và báo cáo tiến độ liên tục; đồng thời đẩy nhanh việc hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục liên quan để rút vốn kịp thời, theo đúng quy định, tiến độ yêu cầu.
Ông Trần Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND Tp. Phan Rang - Tháp Chàm:
Sau khi hoàn thành dự án, chúng tôi sẽ tiếp nhận, phối hợp với các đơn vị liên quan làm tốt công tác quản lý, duy tu phát huy hiệu quả các công trình; đồng thời tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị vận hành nhà máy xử lý nước thải, tổ chức thu phí xử lý nước thải; tôn tạo cảnh quan để dự án đạt hiệu quả cao nhất. Tại các khu vực hồ điều hòa trung tâm, kênh nước sâu sẽ tiến hành rà soát cắm biển cảnh báo, đồng thời chỉ đạo các phường tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức bảo vệ công trình, đảm bảo cảnh quan, an toàn cho trẻ em, không xả thải tùy tiện ra môi trường...
Mai Phương