Doanh nghiệp Việt ‘vượt sóng' xuất khẩu hàng nông sản

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, mặc dù ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng chủ yếu vẫn xuất hàng thô. Hàm lượng chế biến thấp, chiếm khoảng 70 - 80% tổng kim ngạch xuất khẩu nên giá trị và mức độ cạnh tranh không cao. Đây rõ ràng không phải là hướng đi bền vững và hiệu quả.

 Để mở rộng thị phần xuất khẩu, đặc biệt là sang các nước châu Âu và Mỹ, doanh nghiệp Việt cần phải thay đổi tư duy, đầu tư công nghệ hiện đại để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các nước xuất khẩu.

Gian hàng trưng bày các sản phẩm trái cây tươi đang được xuất khẩu tại thị trường Nhật của Công ty Cổ phần tập đoàn đầu tư HSC.

Tiềm năng chờ cơ hội

Mặc dù có kinh nghiệm xuất khẩu các mặt hàng nông sản như dừa (Bến Tre), thanh long (Bình Thuận), sầu riêng (các tỉnh Tây Nam Bộ), chuối (Đồng Nai)… ở thị trường Nhật Bản nhiều năm qua, nhưng Công ty Cổ phần tập đoàn đầu tư HSC (gọi tắt là HSC) vẫn loay hoay tìm hướng xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Mỹ.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy, Trưởng phòng chuỗi cung ứng của HSC cho biết, sự khác biệt trong xuất khẩu nông sản qua thị trường Nhật so với châu Âu và Mỹ không nhiều, bởi thị trường nào cũng có yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong khi đó, HSC đã có thể vượt qua mọi kiểm soát nghiêm ngặt về hoá chất, hàm lượng sử dụng chất tăng trưởng thực vật với mặt hàng nông sản tươi để có thể xuất khẩu ra thị trường Nhật Bản khó tính bậc nhất thế giới.

Đặc biệt, HSC có thế mạnh là có hệ thống nông trại đạt chuẩn riêng. Bên cạnh đó, HSC cũng tạo được sự kết nối với hệ thống nông trại khác trong vùng nuôi trồng, qua đó đảm bảo được về mặt sản lượng cũng như tính đồng đều về chất lượng nông sản. Các nông trại liên kết của HSC có quy mô diện tích lên tới cả trăm ha, vì vậy HSC có sự tự tin nhất định với hai thị trường tiềm năng còn lại.

Dừa tươi, bưởi da xanh... là những sản phẩm được thị trường Nhật ưa chuộng.

“Tuy nhiên, ở Nhật Bản, chúng tôi có đơn vị “nằm vùng" ở đó để nắm bắt xu hướng, thị hiếu của thị trường cũng như những yêu cầu của các doanh nghiệp Nhật. Còn ở thị trường châu Âu và Mỹ, HSC vẫn còn đang “dò dẫm" tìm đường do thiếu đơn vị đồng hành giúp sức một cách bài bản. Bởi điểm mấu chốt để có thể xuất khẩu các thị trường này là cần vượt qua được rào cản về thủ tục và chính sách”, chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy chia sẻ.

Chưa có kinh nghiệm xuất khẩu đi Nhật như HSC, nhưng Công ty TNHH Trà Thiên Thành cũng có nhiều tự tin có thể đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe để có thể mở rộng thị phần, xuất khẩu đi các nước trong khu vực và thị trường châu Âu, Mỹ. Chị Lê Thị Hồng Ngân, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Trà Thiên Thành cho biết, công ty đã có truyền thống sản xuất các sản phẩm về trà từ năm 1993, khởi nguồn từ Bình Định. Tới năm 2018, công ty bắt đầu xây dựng nhà máy mới với quy mô 1,1 ha tại khu công nghiệp Lộc Sơn, Bảo Lộc, Lâm Đồng.

Hiện tại, doanh nghiệp Trà Thiên Thành đang kinh doanh 3 mảng chính: Các sản phẩm trà dưới thương hiệu Thiên Thành; sản xuất, gia công OEM cho nhiều doanh nghiệp và một phần xuất khẩu là sản phẩm thô hoặc thành phẩm đứng tên thương hiệu của đối tác khác. Điều này minh chứng, sản phẩm trà của doanh nghiệp có thể xuất khẩu.

“Các sản phẩm Trà Thiên Thành đã có mặt nhiều trên thị trường nước ngoài và được kiều bào ưa thích, đặt hàng thường xuyên nhưng lại không phải là con đường xuất khẩu chính ngạch.Tuy nhiên, điều doanh nghiệp vẫn “bận lòng" là những sản phẩm xuất khẩu đi các thị trường Anh, Đài Loan, Trung Quốc, Malaysia, Pakistan và Trung Đông của doanh nghiệp lại không đứng tên thương hiệu mình. Ngoài ra, các sản phẩm trà xuất khẩu hiện nay vẫn chủ yếu là sản phẩm trà thô gồm trà đen, trà xanh, trà ô long nguyên liệu…”, chị Lê Hồng Ngân tâm tư.

Gian hàng trưng bày các sản phẩm của Công ty TNHH Trà Thiên Thành.

Có thể nói, trà là đồ uống phổ biến đứng hàng thứ hai sau nước lọc. Tuy nhiên, mỗi vùng, mỗi quốc gia lại có cách pha, cách thưởng thức khác nhau. Do đó, phần lớn thương nhân các nước tìm đến Việt Nam với góc nhìn về một thị trường cung cấp trà nguyên liệu thô, giá rẻ. Sau đó, ở nước sở tại, họ tự chế biến, tẩm ướp hương liệu tùy theo khẩu vị bản địa.

“Rào cản của doanh nghiệp Trà Thiên Thành là chưa rõ được hết về nhu cầu, thị hiếu, phong cách thưởng thức trà của người tiêu dùng tại các thị trường quốc tế đó, nên đến giờ mọi thứ vẫn chỉ dừng lại ở việc xuất khẩu thô. Tuy nhiên, chúng tôi luôn mong muốn các sản phẩm trà của mình sẽ được xuất khẩu và được thị trường quốc tế tiếp nhận dưới cái tên Thiên Thành”, chị Lê Hồng Ngân chia sẻ thêm.

Tương tự, sản phẩm trà của Công ty TNHH SumoFood Việt Nam cũng đang được xuất khẩu đi các nước. Tuy nhiên, con đường xuất khẩu không bền vững. Ông Đoàn Văn Hóa, Giám đốc Công ty TNHH SumoFood Việt Nam cho biết, trước đây, doanh nghiệp đã từng tìm đường xuất khẩu thông qua các sàn thương mại điện tử xuyên quốc gia là Alibaba. Đơn vị đầu tư một khoản chi phí khá lớn nhưng chưa thể tiếp cận được người mua, chưa thu được bất cứ đơn hàng nào (B2B).

Sản phẩm trà mãng cầu của Công ty TNHH SumoFood Việt Nam.

"Nguyên do là các sản phẩm trà mãng cầu của chúng tôi cũng khá là mới mẻ. Trong khi ở thị trường quốc tế, họ đã quá quen với những loại trà túi lọc hoặc trà hòa tan thông dụng. Còn trà của SumoFood được thực hiện với đặc thù kết cấu sợi, nếu như chuyển qua dạng túi lọc thì nó sẽ phá vỡ đi sự thuần khiết của hương vị, cấu trúc của trái mãng cầu và cái trong của nước trà.

Ngoài ra, do trước đây chúng tôi có hợp tác chung với một bạn hàng khác trên sàn thương mại điện tử, bị phụ thuộc và không có quyền quản lý gian hàng. Tới thời điểm hiện tại, có nhiều sản thương mại điện tử xuyên quốc gia có mặt tại Việt Nam, cụ thể như Amazon, nhưng mong muốn của SumoFood vẫn là tìm được cơ hội xuất khẩu trực tiếp, bài bản và bền vững”, ông Đoàn Văn Hoá chia sẻ.

Tìm đường “vượt sóng"

Cũng theo ông Đoàn Văn Hoá, ngoài sản xuất sản phẩm trà mãng cầu, SumoFood đã có thâm niên hoạt động trong ngành trồng trọt và tư vấn nông nghiệp, giống cây trồng và phân bón. Sản phẩm này là do doanh nghiệp phát triển thêm trong quá trình tiếp xúc, tư vấn cho bà con nông dân.

“Hiện nay, các mặt hàng của SumoFood đang được bày bán tại một số chuỗi siêu thị trong nước và cả hệ thống cửa hàng tại các sân bay quốc tế, như Cần Thơ. Sắp tới, doanh nghiệp cũng sẽ phát triển thêm mặt hàng gạo tím than. Bên cạnh đó là phát triển các vùng trồng cây ăn trái như sầu riêng. Tất cả để giải quyết bài toán đầu ra cho người nông dân”, ông Đoàn Văn Hoá chia sẻ thêm.

Tham gia các hoạt động triển lãm quốc tế, doanh nghiệp Việt có cơ hội kết nối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, để có thể mở rộng thị trường và thị phần, bản thân doanh nghiệp phải chủ động tìm hướng đi khác. Do đó, Công ty TNHH SumoFood Việt Nam đã tiếp cận với dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC) nhằm tìm cơ hội xuất khẩu. Nhờ đó, lần đầu tiên SumoFood được tham gia hoạt động triển lãm chuyên biệt về “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024” được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 6 - 8/6. Theo ông Đoàn Văn Hoá, đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp tiếp cận thị trường xuất khẩu, tìm hiểu nhu cầu của khách hàng nhập khẩu về mọi mặt như giá bán, yêu cầu tiêu chuẩn.

“Có thể nói, từ khi tham gia và nhận hỗ trợ từ dự án USAID IPSC, chúng tôi đã thực hiện nhiều bước theo tư vấn của các chuyên gia như các hoạt động kiểm tra, đánh giá tại thực địa cũng như thay đổi thiết kế, mẫu mã bao bì sản phẩm. Trong khuôn khổ hoạt động tại triển lãm lần này, SumoFood đã có được thành công bước đầu. Chúng tôi đã tiếp xúc gặp gỡ được một khách hàng từ Hong Kong và gần như thương lượng xong. Sau triển lãm, bước tiếp theo sẽ là xúc tiến thực hiện hợp đồng”, ông Đoàn Văn Hoá phấn khởi nói.

Một doanh nghiệp nước ngoài đang tìm hiểu các sản phẩm chế biến nông nghiệp tại triển lãm “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024”.

Tương tự, Công ty Cổ phần tập đoàn đầu tư HSC cũng đã quyết định đăng ký tham gia dự án USAID IPSC từ năm 2023 để xin sự hỗ trợ tư vấn mở ra hướng đi, từ đó có thể mở rộng thị trường xuất khẩu. Chị Nguyễn Thị Ngọc Thuý cho biết, từ lúc tham gia dự án USAID IPSC, HSC đã học hỏi và nắm bắt nhiều thông tin bổ ích. Cũng tại triển lãm “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024”, HSC đã có cơ hội tiếp cận được nhiều doanh nghiệp nước ngoài và trong số đó, có một vài doanh nghiệp ngỏ ý muốn đến tận trang trại tìm hiểu thực tế trước khi có bước tiến tiếp theo.

Còn với Trà Thiên Thành, với thế mạnh là trà ướp hương mang đặc trưng riêng của thương hiệu, doanh nghiệp tự tin sẽ có cơ hội mở rộng thị phần và thị trường xuất khẩu trong thời gian tới. Bởi nhà máy của công ty đã được đầu tư máy móc hiện đại, quy trình sản xuất khép kín từ nông trại đến bàn trà, tất cả vườn trồng trà được công ty hợp đồng bao tiêu trực tiếp với người nông dân cung cấp nguyên liệu.

Hiện nay, sản phẩm trà thành phẩm của Trà Thiên Thành chuyên sâu vào 3 dòng chính: Chuyên cho trà đá (trà lạnh), chuyên cho pha chế (trà sữa, trà trái cây) và trà cao cấp (trà nóng). Với mỗi dòng trà như vậy, sẽ có nhiều sản phẩm tương ứng và giá thành hết sức hợp lý, trung bình 1 hộp sản phẩm thông dụng có giá khoảng 60.000 đồng (1 hộp 50 gói trà túi lọc) và 145.00 đồng cho 1 sản phẩm cao cấp.

Một gói trà Sâm Dứa của doanh nghiệp Trà Thiên Thành chỉ có giá từ 60.000 đồng.

Theo chị Lê Hồng Ngân, bắt đầu tham gia dự án USAID IPSC từ tháng 8/2023, đến nay, Trà Thiên Thành đã được hỗ trợ tham gia 3 khóa đào tạo tập trung, 2 buổi huấn luyện tư vấn trực tiếp tại nhà máy, sau đó là được tài trợ gian hàng miễn phí cho triển lãm lần này. Từ những hỗ trợ thực tế, “cầm tay chỉ việc” và hướng dẫn tận tình theo từng bước, tới thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đã đăng ký được FDA; qua đó, kỳ vọng đưa được sản phẩm vào thị trường Mỹ trong năm nay một cách chính ngạch.

“Song song, chúng tôi đang hoàn tất chứng chỉ FSSC và các chứng nhận khác cho nhà máy, hy vọng là cuối năm nay Trà Thiên Thành sẽ có được toàn bộ các chứng nhận đó. Trong giai đoạn hiện nay, Trà Thiên Thanh đang thiết kế lại bao bì sao cho phù hợp với thị hiếu và thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường châu Âu và Mỹ theo sự chỉ dẫn của đội tư vấn chuyên nghiệp, bài bản do dự án USAID IPSC hỗ trợ”, chị Lê Hồng Ngân cho hay.

Ông Đoàn Văn Hóa (bìa phải), Giám đốc Công ty TNHH SumoFood Việt Nam đang rót trà mãng cầu mời khách thử.

Tuy nhiên, là một doanh nghiệp lâu năm nhưng doanh nghiệp Trà Thiên Thành lại có một lực lượng nhân sự khá mỏng, với chuyên môn không cao. Năng lực nổi bật chủ yếu tập trung ở nhóm thợ lành nghề. Còn các năng lực cần thiết khác cho doanh nghiệp như quản trị, xây dựng thương hiệu, marketing, bán hàng… thì vẫn còn nhiều hạn chế. Nhận thấy doanh nghiệp mình còn nhiều thiếu sót, thiếu kinh nghiệm, kiến thức… đội ngũ Trà Thiên Thành quyết tâm nỗ lực 200% để bù đắp khoảng thiếu hụt trước đó cũng như gấp rút đạt được kế hoạch xuất khẩu chính ngạch đã được đề ra.

Theo chị Lê Hồng Ngân, để có thể đáp ứng được kế hoạch, dự án USAID IPSC đã cung cấp cho doanh nghiệp bản kế hoạch hành động, trong đó đưa ra những việc cần làm, quan trọng là bổ sung nhân sự ở những mảng còn thiếu; còn các chuyên gia của dự án thì ngay từ đầu đã cam kết theo đuổi mục tiêu cùng Thiên Thành cho tới cùng.

“Qua những ngày triển lãm ngắn ngủi, tuy chưa có được những đơn hàng xuất khẩu chính thức, nhưng chúng tôi đã tiếp xúc được với nhiều khách hàng tiềm năng và đã có những đơn hàng bản thử để thăm dò thị trường và thị hiếu người tiêu dùng tại quốc gia của bên mua hàng. Qua thăm dò cho thấy, tiềm năng và quy mô của thị trường trà là rất lớn. Mong muốn hiện giờ của doanh nghiệp là vượt qua chính mình với kỳ vọng tăng trưởng 100% về mọi mặt, trong đó có cả xuất khẩu”, chị Lê Hồng Ngân chia sẻ thêm.

Nhận định về các doanh nghiệp hiện nay, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Doanh nghiệp nhỏ và vừa (thuộc Cục Phát triển doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Đại diện Ban quản lý Dự án USAID IPSC cho biết, doanh nghiệp Việt Nam ngày càng chủ động vì nhận thức rõ, nếu không tự nâng cấp, tự đổi mới, số hóa doanh nghiệp thì khoảng 3 - 5 năm nữa họ cũng sẽ bị yếu thế ngay tại thị trường nội địa chứ chưa nói đến thị trường quốc tế. Chính vì vậy, các doanh nghiệp xác định cần phải đi trước và chủ động tìm đến với các chuyên gia, các đơn vị hỗ trợ uy tín hay tìm hiểu từ chính doanh nghiệp đã thành công là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp hiện nay. Đây là tín hiệu đáng mừng vì có nhận thức đúng là điều kiện cần, điều kiện đủ, nhưng có đủ nguồn lực để thực hiện được điều đó hay không cũng là bài toán cân đong đo đếm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Vì thế, lời khuyên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài, đầu tiên vẫn là nhận thức của doanh nghiệp để xây dựng và theo đuổi triết lý kinh doanh, tầm nhìn của doanh nghiệp. Một khi doanh nghiệp nhận thức đúng đắn cần phải phát triển bền vững, cần phải có tầm nhìn dài hạn thì sẽ xác định được chiến lược kinh doanh của mình, khi đó doanh nghiệp sẽ có sự đầu tư tương xứng và phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Doanh nghiệp không thể “ăn xổi” mãi được, hay tự hài lòng với những thị trường xuất khẩu “dễ tính”.

Theo baotintuc.vn