Với sự nỗ lực đó, tổng thanh toán vốn đầu tư công toàn tỉnh đến ngày 15/6/2024 là 982,8 tỷ đồng, đạt 31,8% kế hoạch vốn (3.084,7 tỷ đồng). Trong đó, giải ngân các nguồn vốn địa phương đạt 31,5% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; đạt 29,5% kế hoạch được HĐND tỉnh giao; đạt 32,8% kế hoạch vốn đã phân bổ chi tiết và nhập Tabmis. Ước tính 6 tháng đầu, tiến độ giải ngân đạt xấp xỉ 40% kế hoạch, cao hơn 12% so với cùng kỳ năm trước (chỉ đạt 28%). Nhiều chủ đầu tư, địa phương được giao kế hoạch vốn năm 2024 có kết quả giải ngân cao, điển hình như: Văn phòng Tỉnh ủy (98%), Bệnh viện Đa khoa tỉnh (93%), Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Thuận (82%), Bác Ái (63%), Ninh Phước (51,5%)... Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp như Chi cục Thủy sản (3%), Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (2%), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (4%), Ban Xây dựng năng lực và thực hiện các dự án ODA ngành nước (15%)...; cá biệt một số chủ đầu tư chưa liên hệ gửi hồ sơ đề nghị giải ngân (Vườn quốc gia Phước Bình, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư), Qua theo dõi, nắm bắt tình hình, kết quả giải ngân thấp là do tác động bởi nhiều nguyên nhân như: Một số dự án còn chờ giải phóng mặt bằng, đang trong quá trình triển khai quy trình thủ tục đầu tư, quy trình lựa chọn nhà thầu; hoàn thiện hợp đồng, hoàn thiện hồ sơ thanh toán trên cơ sở khối lượng nghiệm thu...
Công chức Kho bạc Nhà nước tỉnh thực hiện nghiêm Bộ quy tắc ứng xử “4 xin, 4 luôn” . Ảnh: Uyên Thu
Để đạt được mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt 100% kế hoạch; trong đó, đến hết quý III/2024 đạt trên 60% và đến hết quý IV/2024 đạt trên 90% kế hoạch, đòi hỏi sự nỗ lực của các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị từ tỉnh đến huyện, xã cần tập trung tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp theo Công điện số 24/CĐ-TTg ngày 22/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 57-CT/TU ngày 19/3/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Kế hoạch số 1481/KH-UBND ngày 5/4/2024 của UBND tỉnh; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước. Trong đó, vai trò của chủ đầu tư thường xuyên tương tác, trao đổi thông tin hai chiều với kho bạc nơi giao dịch để phối hợp chặt chẽ trong quá trình lập và gửi hồ sơ, chứng từ giải ngân đúng thủ tục hành chính theo quy định hiện hành, hạn chế sai sót buộc kho bạc phải từ chối, chủ đầu tư phải hoàn thiện nhiều lần; kịp thời bàn bạc tháo gỡ khó khăn vướng mắc phát sinh góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, không để dồn vào thời điểm cuối năm.
Ban lãnh đạo KBNN Ninh Thuận thường xuyên, liên tục quán triệt, phổ biến đến đội ngũ công chức từ tỉnh đến huyện chấp hành nghiêm nội dung các chỉ thị của Tổng Giám đốc KBNN, gồm Chỉ thị số 5129/CT-KBNN ngày 11/9/2023 về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống KBNN; Chỉ thị số 7143/CT-KBNN ngày 13/12/2023 về việc tăng cường công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua KBNN, giải quyết thủ tục hành chính kịp thời, đáp ứng nhu cầu chi trả ngân sách trong tháng cuối năm 2023 và năm 2024; tăng cường các biện pháp phòng ngừa rủi ro trong công tác kiểm soát chi vốn đầu tư công; thực hiện nghiêm Bộ quy tắc ứng xử “4 xin, 4 luôn”: Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ, có trách nhiệm đến cùng với công việc, giữ gìn và nâng cao hơn nữa thái độ giao tiếp, ứng xử theo phong cách phục vụ, bám sát, đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư, phấn đấu 100% hồ sơ chứng từ đủ điều kiện thanh toán ngay lần đầu tiếp nhận và được giải quyết đúng thời gian hẹn trả.
Bắc Hà