Bác Ái thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em

Xác định công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (TE) là một nhiệm vụ quan trọng. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể và nhân dân huyện Bác Ái đã tổ chức nhiều hoạt động đa dạng, thiết thực nhằm tạo điều kiện tốt nhất để TE được tiếp cận với các quyền và lợi ích chính đáng của mình, góp phần xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh để TE được phát triển toàn diện.

Huyện Bác Ái hiện có trên 12.600 TE, chiếm 37,054% dân số; trong đó, có 728 TE có hoàn cảnh đặc biệt, các em đang được hưởng chế độ chính sách bảo trợ xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP. Để huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị và mọi người dân trong công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục TE, hằng năm UBND huyện đã xây dựng các văn bản chỉ đạo về việc tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục TE. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức thiết thực. Chú trọng tổ chức tư vấn trực tiếp, tư vấn cộng đồng cho cha mẹ, người thân và những người đang trực tiếp nuôi dưỡng TE về kiến thức, kỹ năng chăm sóc, bảo vệ và giáo dục TE. Bên cạnh đó, huyện còn lồng ghép các mục tiêu chương trình hành động vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhằm tạo môi trường an toàn, lành mạnh để TE phát triển. Từ đó, nâng cao kiến thức, trách nhiệm cho các bậc phụ huynh, những người có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục TE.

Hoạt động tập thể chơi mà học tại trường Mẫu giáo Phước Trung (Bác Ái).

Nằm trong chương trình dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và TE”, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023, được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam triển khai thực hiện. Tháng 9/2023, tại Trường THCS, THPT Bác Ái, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bác Ái tổ chức lễ ra mắt mô hình điểm Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Câu lạc bộ có 30 thành viên là những hạt nhân tiên phong trong việc tuyên truyền giúp thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, mạnh dạn lên tiếng dần xóa bỏ những thói quen, tập tục lạc hậu có hại trong đời sống như: Nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bạo lực gia đình, xâm hại tình dục TE, mua bán TE, bóc lột sức lao động TE... Mô hình là một sân chơi, một diễn đàn bổ ích dành cho TE, nhất là TE gái biết trang bị kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ bản thân, tự tin, bản lĩnh để thay đổi trong cách nghĩ, cách học, cách làm trong cuộc sống; dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu không còn phù hợp trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Bà Chamaléa Thị Thúy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bác Ái, cho biết: Việc thành lập mô hình câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” nhằm thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới, góp phần giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với TE vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hỗ trợ chính quyền cùng các ban, ngành, địa phương, nhà trường, cha mẹ thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục TE và giải quyết các vấn đề liên quan đến TE.

Thời gian qua, huyện Bác Ái cũng cũng đã kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ nguồn lực, tham gia các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ TE trên địa bàn huyện như: Tặng quà trong các dịp lễ, Tết, tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi; hỗ trợ học bổng, tặng xe đạp cho TE có hoàn cảnh khó khăn. Trong năm 2023 đã kêu gọi và đón nhận nhiều đơn vị, tổ chức đến thăm hỏi, tặng quà cho TE trên địa bàn huyện với 7.000 suất quà, trị giá 140 triệu đồng nhân dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 và trao 10 chiếc xe đạp, 3.256 chiếc lồng đèn, 28.573 suất quà cho học sinh, tổng trị giá trên 2,37 tỷ đồng…

Với phương châm “Dành những gì tốt đẹp nhất cho TE”, thời gian qua, các địa phương, các cơ quan, đơn vị và các trường học trên địa bàn huyện đã triển khai thực hiện tốt các chủ trương,

chính sách của Đảng và Nhà nước về TE. Tổ chức nhiều hoạt động nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để TE được chăm sóc, học tập, vui chơi giải trí, đảm bảo các quyền cơ bản và được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh. Cụ thể, các đơn vị trường học và Đoàn Thanh niên các xã duy trì và phát triển mạnh các hoạt động có sự tham gia của TE. Tiếp tục triển khai và nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động “Thiếu nhi thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy”; phong trào “Kế hoạch nhỏ”, “Làm nghìn việc tốt”; phát huy câu lạc bộ trong các liên đội trường học như: Câu lạc bộ “Đội tuyên truyền Măng non”, “Phóng viên nhỏ”; duy trì giới thiệu và tổ chức chương trình “Thắp sáng ước mơ”, “Tiếp sức đến trường”...Thông qua các hoạt động, TE trên địa bàn huyện đã được quan tâm, chăm sóc. 100% TE có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp; không có trẻ bị bỏ rơi; 100% TE dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế khám, chữa bệnh miễn phí; tỷ lệ TE dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn ở mức 19,58%, giảm 0,33% so với năm 2022. Toàn huyện không có trường hợp TE bị mua bán, bắt cóc, trẻ em bỏ nhà đi lang thang.

Ông Trần Quý Dương, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Bác Ái, cho biết: Nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và triển khai nhiều hoạt động thiết thực, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục TE trên địa bàn huyện thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Từ đó, góp phần cùng toàn xã hội chung tay bảo vệ, chăm sóc TE, giúp trẻ có cuộc sống ấm no, trong sáng và lành mạnh. Để thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc TE, thời gian tới huyện tiếp tục tăng cường phối hợp công tác tuyên truyền về Luật TE, Luật Hôn nhân và gia đình; phòng, chống tai nạn, thương tích, xâm hại và bạo lực TE; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành của huyện tổ chức tốt các hoạt động bảo vệ, chăm sóc TE một cách đồng bộ, đảm bảo thực hiện tốt quy trình từ khâu phòng ngừa, phát hiện kịp thời các trường hợp TE bị xâm hại, ngược đãi, TE có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; phối hợp với nhà trường triển khai các hoạt động sinh hoạt hè để hạn chế tình trạng tai nạn thương tích TE trong dịp nghỉ hè; tiếp tục huy động các nguồn lực tổ chức các hoạt động, các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của TE, trợ giúp TE có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến TE, tạo điều kiện tốt nhất để TE phát triển toàn diện; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện quyền TE và mục tiêu của chương trình hành động quốc gia vì TE trên địa bàn huyện, đồng thời phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quyền TE...